Vũ khí thông minh sẽ thay đổi sức mạnh chiến đấu của quân nhân Nga


Các chuyên gia của Tập đoàn Kalashnikov đang phát triển một hệ thống chiến đấu cầm tay tích hợp trí tuệ nhân tạo, nhằm cải thiện tốc độ phát hiện mục tiêu và gia tăng độ chính xác của hỏa lực.

Quân đội Nga đang phát triển vũ khí chiến đấu thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo. Ảnh: kalashnikovgroup.ru
Quân đội Nga đang phát triển vũ khí chiến đấu thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo. Ảnh: kalashnikovgroup.ru

Tích hợp trí tuệ nhân tạo

Tổng giám đốc của Kalashnikov Vladimir Lepin mới đây cho biết, doanh nghiệp này đang phát triển một hệ thống vũ khí thông minh, sử dụng các yếu tố trí tuệ nhân tạo. Sản phẩm mới liên quan đến việc các vũ khí cầm tay tích hợp thêm các phương tiện quan sát, nhận biết và ngắm bắn hiện đại.

Cụ thể, tổ hợp mô phỏng theo mạng lưới thần kinh và não bộ của con người này sẽ trở thành một phần của thiết bị chiến đấu hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến đấu cho các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

“Về tương lai của súng cầm tay, các hệ thống ngắm bắn phải đáp ứng những thách thức mà lực lượng vũ trang phải đối mặt, đồng thời duy trì sự đơn giản và độ tin cậy truyền thống. Hiện chúng tôi đang tích cực nghiên cứu để tích hợp các vũ khí này với các hệ thống quan sát, nhận dạng và ngắm bắn mục tiêu”, ông Lepin cho biết.

Tại Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự Army-2021 cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ca ngợi dự án hệ thống vũ khí thông minh mới. Tổ hợp vũ khí chiến đấu mới này “cho phép người lính hoạt động hiệu quả hơn trong trận chiến, cải thiện chất lượng quan sát và tốc độ phát hiện kẻ thù, cũng như tăng đáng kể độ chính xác của các đòn tấn công”.

Cuối tháng 9/2021, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti, nhà thiết kế chính của Tập đoàn Kalashnikov Sergei Urzhumtsev cũng tiết lộ kế hoạch nghiên cứu loại vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo. Hơn nữa, các thành phần riêng lẻ của tổ hợp này đã được tạo ra.

“Các công nghệ hiện đại có thể đảm bảo việc thực hiện phát bắn tiêu diệt mục tiêu ở một phạm vi cụ thể, trong một số điều kiện khí tượng và các điều kiện khác. Hơn nữa, người bắn chỉ cần đơn giản bóp cò bắn vào mục tiêu này”, chuyên gia Urzhumtsev nói.

Theo đó, người lính không phải lúc nào cũng có thể quan sát bắn một số mục tiêu vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, hệ thống xử lý dữ liệu theo mô phỏng nơ-ron thần kinh người có khả năng giải quyết vấn đề xác định mục tiêu, ngắm bắn.

Ngoài ra, tổ hợp vũ khí sử dụng trí thông minh nhân tạo này sẽ chọn thời gian tối ưu nhất cho việc tấn công mục tiêu. Dựa trên kết quả nghiên cứu, Tập đoàn Kalashnikov dự định sẽ đề xuất với Bộ Quốc phòng Nga mở một cơ sở nghiên cứu và phát triển, nhằm đưa lên cấp độ chế tạo mẫu hàng loạt.

Các giải pháp hiệu quả

Theo các chuyên gia, thiết kế do Kalashnikov phát triển sẽ bao gồm một bộ thiết bị quang học và điện tử có thể tích hợp với súng cầm tay, chủ yếu là với súng tiểu liên.

Riêng chuyên gia quân sự Alexander Butyrin đánh giá rằng, hệ thống vũ khí thông minh này sẽ là một trong những thiết bị quân sự hiện đại và đầy triển vọng.

Một sản phẩm tương tự đã được Kalashnikov chế tạo. Đó là một hệ thống lắp ráp mô-đun (MRS), bao gồm các phương tiện bảo vệ chống lại hư hỏng do đạn và mảnh bom gây ra. Tổ hợp cũng bao gồm các “túi nhỏ” để đựng đạn dược, thiết bị liên lạc và các thiết bị khác nhau.

MRS là hệ thống duy nhất trên thế giới cung cấp cho lực lượng đặc biệt tất cả các bộ dụng cụ cần thiết trong môi trường tác chiến hiện đại. MRS đã được sử dụng tại các đơn vị trong và ngoài nước.

Hiện trang phục “Ratnik” được sử dụng phổ biến trong quân đội Nga. Chúng có thể điều chỉnh trang bị và phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với đặc điểm thể chất của một quân nhân, cũng như các đặc điểm cụ thể theo từng nhiệm vụ.

Quân đội Nga đang tiếp nhận trang phục thế hệ thứ hai thuộc hệ thống Ratnik-2. Nó bao gồm 5 yếu tố tích hợp, cung cấp khả năng chiến đấu, bảo vệ, kiểm soát, tăng cường khả năng sống sót và hỗ trợ năng lượng cho quân nhân. Các hệ thống mô-đun phụ có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện khí hậu và tình huống chiến đấu.

Trong biên chế Ratnik-2 bao gồm súng trường AEK, AK-12, AK-15, súng bắn tỉa, súng máy Pecheneg, ống ngắm điện tử và màn hình gắn mũ bảo hiểm, cho phép binh sĩ bắn từ chỗ ẩn nấp mà không tạo ra nguy hiểm cho bản thân.

“Tất nhiên, hệ thống trí tuệ nhân tạo nên trở thành một phần của khí tài, trang thiết bị và đạn dược của quân đội. Ratnik hiện đang được giới thiệu tích cực trong quân đội, do đó, tôi cho rằng sản phẩm mới này sẽ là một trong những thành phần của hệ thống Ratnik”, chuyên gia Butyrin nhận định.

Chuyên gia Dmitry Litovkin của Tạp chí Nezavisimoye Voennoe Obozreniye cũng có quan điểm tương tự. Ông tin rằng hệ thống vũ khí thông minh, mô phỏng mạng lưới thần kinh người mà Kalashnikov đang nghiên cứu cho phép người bắn có thể nổ súng, ước tính được các điều kiện thời tiết phức tạp, bao gồm cả tốc độ gió. Ngoài ra, người lính có thể kiểm soát việc tiêu thụ đạn dược và bắn chính xác hơn.

“Hệ thống sẽ được tích hợp với bảng tham chiếu ngày và đêm hiện đại. Rất có thể tất cả điều này sẽ được hiển thị trên máy tính. Ngày nay, các máy bay chiến đấu đang sử dụng máy tính bảng chiến thuật để truyền thông tin về vị trí của người lính, vị trí của kẻ thù,... Và tổ hợp này cũng sẽ nhận được thông tin từ các UAV, vốn đang được quân đội Nga tích cực sử dụng, và sẽ trở thành một phần trang bị của tương lai”, ông Litovkin nói.

Theo chuyên gia, Kalashnikov đang tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm đáng tin cậy và không phô trương. Nó sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho các quân nhân trong mọi hoạt động quân sự.

Tổ hợp này chủ yếu cần thiết cho Lực lượng tác chiến đặc biệt và các đơn vị của Lực lượng Dù, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp nhất. Song chúng cũng có thể được đưa vào kho vũ khí của các đơn vị riêng biệt khác. Các sửa đổi đơn giản của sản phẩm sẽ dành cho các đơn vị súng trường cơ giới.