Vùng an toàn dịch bệnh được ưu tiên tham gia xúc tiến thương mại
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Theo đó, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được hưởng nhiều quyền lợi như: Được hưởng các quyền lợi theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 39 và khoản 2 Điều 55 của Luật thú y; Đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch.
Đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thuỷ sản, được xem xét để xuất bán động vật thủy sản thương phẩm mà không phải qua sơ chế, chế biến khi có công bố dịch tại địa phương theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
Bên cạnh đó được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) hoặc Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) khi có yêu cầu; được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Yêu cầu đối với cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn
Thông tư nêu rõ yêu cầu cần đáp ứng để cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn được chứng nhận an toàn dịch bệnh là thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn theo quy định; thực hiện giám sát dịch bệnh động vật; không xảy ra dịch bệnh động vật…
Về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn tại cơ sở, cơ sở chăn nuôi thực hiện quy định tại Điều 14, các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 15 của Luật thú y.
Cụ thể, địa điểm chăn nuôi phải theo quy hoạch của địa phương hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép, bảo đảm cách biệt với khu dân cư, công trình công cộng, đường giao thông chính, nguồn gây ô nhiễm; nước sử dụng trong chăn nuôi phải bảo đảm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cơ sở lần đầu đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật phải đáp ứng điều kiện không có ca bệnh của bệnh đăng ký chứng nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.
Yêu cầu đối với cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản, Thông tư nêu rõ, cơ sở sản xuất thủy sản giống phải thực hiện quy định tại Điều 14 và các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Luật thú y và Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT với một số nội dung cụ thể như sau: Nước dùng trong sản xuất thủy sản giống phải được xử lý bảo đảm không mang mầm bệnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản; thủy sản giống nhập vào cơ sở phải có nguồn gốc từ vùng, cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính của Phòng thử nghiệm được chỉ định đối với bệnh mà cơ sở đang thực hiện giám sát; được kiểm dịch theo đúng quy định hiện hành.
Đối với cơ sở lần đầu đăng ký cấp Giấy chứng nhận phải đáp ứng điều kiện không có động vật thủy sản mắc bệnh đăng ký chứng nhận an toàn trong ít nhất 06 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 19/7/2016.