Vượt qua rào cản khởi nghiệp

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Thông thường, nhiệt huyết, niềm tin của các cá nhân khởi nghiệp sẽ rất nhanh chóng giảm đi khi phải đối mặt với các khó khăn liên tiếp. Do đó, với việc chuẩn bị kỹ lưỡng, cơ hội thành công của dự án khởi nghiệp sẽ lớn hơn, đồng thời sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian, giúp duy trì ngọn lửa nhiệt huyết trong bạn lâu hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nghĩ đúng hướng, làm đúng thứ cần làm

Vượt qua rào cản khởi nghiệp - Ảnh 1

Ông Lê Văn Thanh, Đồng sáng lập Cốc Cốc.

Ông Lê Văn Thanh, Đồng sáng lập Cốc Cốc: Mỗi doanh nghiệp, mỗi dự án startup trong quá trình xây dựng, phát triển đều sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Điều quan trọng là nên cố gắng lường trước những khó khăn đó để chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó.

Đây cũng là lý do trước khi khởi nghiệp, chúng ta nên cố gắng trau dồi những kiến thức liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khởi nghiệp của mình. Chúng ta nên có những phân tích nhất định về thị trường, về khả năng thành công, những thế mạnh riêng của dự án.

Nếu chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm, bạn nên tìm kiếm cơ hội học hỏi ở các công ty gần giống với dự án bạn định phát triển. Điều này giúp bạn nhìn rõ hơn những vấn đề sẽ phải đối mặt khi khởi nghiệp, cách bạn giải quyết các vấn đề đó, giúp bạn xây dựng các mối quan hệ với cố vấn, với nhà đầu tư, với khách hàng...

Thông thường, nhiệt huyết, niềm tin của các cá nhân khởi nghiệp sẽ rất nhanh chóng giảm đi khi phải đối mặt với các khó khăn liên tiếp. Do đó, với việc chuẩn bị kỹ lưỡng, cơ hội thành công của dự án khởi nghiệp sẽ lớn hơn, đồng thời sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian, giúp duy trì ngọn lửa nhiệt huyết trong bạn lâu hơn.

Để có thể được một trình duyệt Cốc Cốc thành công như hiện tại, chúng tôi đã phải thực hiện và thử nghiệm cùng lúc một số sản phẩm như trình duyệt Cốc Cốc, tìm kiếm địa điểm Nhà Nhà, dự án Video 360, giải Toán Hóa...

Một số sản phẩm có thể chưa thành công như mong đợi, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì nuôi dưỡng, âm thầm phát triển. Có thể trong tương lai, những sản phẩm đó sẽ tìm ra hướng đi mới đúng đắn hơn, được người dùng đón nhận nhiều hơn. Chúng ta không thể đoán chính xác tương lai, quan trọng là nên chuẩn bị nhiều phương án khác nhau ở hiện tại.

Phong cách kinh doanh của Cốc Cốc đó là “lắng nghe có chọn lọc”. Để khởi nghiệp thành công, mọi người thường hô hào: “Hãy dám nghĩ, dám làm!”, nhưng quan trọng hơn phải là nghĩ đúng hướng, làm đúng thứ cần làm, đúng thời điểm.

Rất mừng là hiện tại, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới khởi nghiệp, thể hiện qua nhiều kế hoạch, đề án tập trung hỗ trợ các dự án startup. Theo tôi, trước mắt, chúng ta nên hiện thực hóa các chính sách đó một cách nhanh chóng. Xa hơn nữa, chúng ta có thể học tập mô hình hỗ trợ khởi nghiệp ở các quốc gia khác để áp dụng ở Việt Nam.

Rào cản lớn nhất của thành công là ở giới hạn bản thân người lãnh đạo

Vượt qua rào cản khởi nghiệp - Ảnh 2

Ông Đặng Công Nguyên,CEO EWAY.

Ông Đặng Công Nguyên,CEO EWAY: Mỗi lần nâng cấp công ty hay gặp khó khăn với những dự án lớn hơn, tôi đều thấy rõ rào cản lớn nhất cho quy mô của dự án, độ lớn của thành công là nằm ở giới hạn bản thân người lãnh đạo. Việc nâng cấp về tài và đức của bản thân là thách thức khó khăn nhất.

Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, điều cần làm là phải học hỏi những lãnh đạo lớn hơn, đọc sách và tìm hiểu cách các công ty lớn trên thế giới giải quyết những vấn đề tương tự.

Bắt đầu thành lập doanh nghiệp từ năm thứ tư đại học, tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc khởi nghiệp. Tôi đã vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Trang bị quan trọng nhất với tôi là khát khao, kiên trì và tinh thần học hỏi không ngừng.               

Bài học lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp của tôi là bài học về con người. Tôi đã phải học hỏi rất nhiều bậc tiền bối để hiểu biết hơn về việc tìm, tuyển dụng, xây dựng nhân sự phù hợp, bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng để công ty phát triển lớn mạnh, bền vững.

Tôi luôn tâm niệm, kinh doanh mà không tạo ra nhiều tiền là kinh doanh thất bại. Kinh doanh mà chỉ tạo ra tiền là kinh doanh nghèo nàn. Do đó, việc phát triển công ty không chỉ nhằm tạo ra lợi nhuận, mà còn phải tạo ra được những giá trị gia tăng lớn hơn nữa.

Để xây dựng môi trường hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trước mắt, Nhà nước nên cho phép các doanh nghiệp thực sự được làm những gì luật pháp không cấm và trong dài hạn, tạo điều kiện để doanh nghiệp được tự do phát triển kinh doanh những sản phẩm/dịch vụ đó.

“Cháy hết mình” với khách hàng

Vượt qua rào cản khởi nghiệp - Ảnh 3

Ông Đinh Lê Đạt, Người sáng lập và CEO ANTS.

Điều quan trọng của một dự án khởi nghiệp là đưa ra quyết định lúc nào cần nhà đầu tư và đó là nhà đầu tư nào. Việc chọn đúng nhà đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của dự án.

Theo kinh nghiệm của ANTS, cần chọn nhà đầu tư có định hướng chiến lược trùng với định hướng phát triển của công ty.

Ngay từ đầu, những người sáng lập phải ý thức được rằng, mình đang vận hành một công ty theo những quy luật đặc thù về tài chính. Đây phải là một công ty tinh gọn, với quy trình vận hành tinh vi. Khó khăn của các công ty khởi nghiệp hiện nay là tìm mô hình kinh doanh đúng, vì vậy, cần quy trình rõ ràng trong việc vận hành.

Đối với hoạt động kinh doanh, để thành công, hãy xem khách hàng như “người tình đầu tiên của mình”. Nếu dự án khởi nghiệp “cháy hết mình” với khách hàng như với mối tình đầu tiên, cảm xúc mãnh liệt như vậy sẽ góp phần mang lại thành công, phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Đây cũng là phương châm mà ANTS thực hiện theo. Đơn cử, khi Công ty mới ra đời vào tháng 6/2015, khách hàng lớn là Lazada đưa ra yêu cầu chạy 1.000 lượt truy cập.

Sau đó một tháng, họ đưa ra con số khó hơn là 10.000 lượt, con số mà ANTS khi đó không dám tin sau một tháng có thể thực hiện được. Nhưng cuối cùng, với sự quyết tâm của ANTS, mọi việc đã diễn ra trơn tru, vượt qua cả mong đợi.