WB: Rủi ro bùng phát dịch với biến thể mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại

Theo Minh Hoàng/thitruongtaichinhtiente.vn

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các biện pháp y tế, như chương trình tiêm vắc-xin và "thông điệp 5K" cần được duy trì vì Việt Nam đang mở cửa lại trường học cũng như có kế hoạch gỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh với khách quốc tế và rủi ro dịch bệnh bùng phát với biến thể COVID-19 mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 cho thấy, các chỉ số di chuyển chính đều tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên Đán nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin đã vượt mốc 73% dân số.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tuy với tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng trưởng dương (so cùng kỳ năm trước) lần đầu tiên kể từ đợt bùng phát dịch COVID-19 bắt đầu từ cuối tháng 4/2021.

Về diễn biến kinh tế gần đây, WB cho biết, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 chững lại, với tốc độ tăng trưởng giảm xuống 8,1% (so cùng kỳ năm 2021) từ 25,1% (so cùng kỳ năm 2021) trong tháng 12/2021, trong khi tăng trưởng nhập khẩu vẫn được duy trì vững chắc ở tốc độ 11,3% (so cùng kỳ năm 2021), so với 13,3% (so cùng kỳ năm 2021) trong tháng 12/2021.

WB: Rủi ro bùng phát dịch với biến thể mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại - Ảnh 1

Tăng trưởng tín dụng (%, NSA). Nguồn: WB

Xuất khẩu giảm tốc do kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm mạnh (giảm 26,1% so cùng kỳ năm trước) trong khi tăng trưởng ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác, như máy tính, điện tử và máy móc, cũng chậm lại đáng kể.

Mặt khác, xuất khẩu ngành dệt may vẫn tăng trưởng vững chắc, tăng tốc từ 27,7% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2021 lên 34,4% (so cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ thị trường Hoa Kỳ.

Theo đối tác thương mại, xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ 19,4% (so cùng kỳ năm trước) trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 15,2% (so cùng kỳ năm trước), do giảm xuất khẩu điện thoại và máy tính sang thị trường này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021. Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên.

Giá lương thực, thực phẩm (LT-TP) vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do nhà nước quản lý) tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.

Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 16,3% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 1, so với 13,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2021. Tốc độ tăng trưởng cao hơn là do nhu cầu tín dụng gia tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và các hộ gia đình đẩy mạnh chi tiêu trước Tết. Do nhu cầu tín dụng cao hơn, lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng bật tăng lên 2,42% vào thời điểm cuối tháng 1 so với 0,73% cuối tháng 12/2021.

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 13% dự toán, trong khi chi ngân sách chỉ đạt 6,4% dự toán, dẫn đến bội thu ngân sách khoảng 69,6 nghìn tỷ đồng (3,1 tỷ USD) trong tháng 1/2022. Đầu tư công giảm 14,0% so cùng kỳ năm trước, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh hơn, tăng gần 25% so cùng kỳ năm 2021.

WB: Rủi ro bùng phát dịch với biến thể mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại - Ảnh 2

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Tỷ USD, NSA). Nguồn: WB

Trong tháng 1/2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 được ban hành, trong đó các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách có tổng quy mô tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại.

Các hỗ trợ chính của Chương trình bao gồm tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và bổ sung thêm vốn đầu tư công, trong khi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền còn hạn chế.

Theo WB, các biện pháp y tế, như chương trình tiêm vắc-xin và "thông điệp 5K" cần được duy trì vì rủi ro bùng phát dịch với biến chủng COVID-19 mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại và Việt Nam đang mở cửa trở lại trường học cũng như có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh với khách quốc tế để vực dậy ngành Du lịch.

Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới có thể được nâng cao bằng cách bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ngoài ra, để đảm bảo Chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ. Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng đã tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự kiến sẽ thực hiện.