Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Xác định các giải pháp kiến tạo cho mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân

Thu An - Lê Hà

Trong những năm qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã từng bước khẳng định chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Nhân kỷ niệm 28 năm xây dựng và phát triển (16/2/1995 - 16/2/2023), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chia sẻ về những kết quả đạt được của Ngành và các giải pháp hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về một số thành tựu nổi bật mà ngành BHXH Việt Nam đã đạt được trong chặng đường 28 năm xây dựng và phát triển, thưa ông?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Trong những năm qua, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần đưa các chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Cụ thể, BHXH Việt Nam đã thường xuyên chủ động tổng hợp vướng mắc trong tổ chức, thực hiện các chính sách; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đánh giá về tình hình thực hiện chế độ, chính sách và tác động để kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với thực tiễn.

Chính sách BHXH, BHYT đã từng bước được hoàn thiện theo hướng mở rộng phạm vi bao phủ, quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách luôn được đảm bảo.

Đơn cử như: Chính sách BHYT đã bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe người dân và cộng đồng; giảm bớt gánh nặng tài chính khi sử dụng các dịch vụ y tế và làm giảm nguy cơ đói nghèo, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi.

Công tác truyền thông chính sách, pháp luật luôn được ngành BHXH Việt Nam coi trọng và triển khai hiệu quả. Ngành BHXH Việt Nam đổi mới cả nội dung, hình thức theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán; trong đó, tập trung vào nhóm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình; triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc.

Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện chính sách; giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Cùng với triển khai các nhiệm vụ trên, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Nhờ đó, diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được mở rộng với sự tăng trưởng ấn tượng.

Số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần. Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT được ngành BHXH Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động nghiệp vụ của Ngành.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1995 đến hết năm 2022, toàn Ngành đã giải quyết cho khoảng hơn 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết cho gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN; đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,3 triệu người...

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân và người lao động, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động và quyết liệt tham gia cùng các Bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch gây ra.

Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Quỹ BHXH, BHTN với tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng...

Ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, ngành BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghiệp vụ để tạo thuận lợi cho người tham gia các loại hình bảo hiểm.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao và phục vụ tốt nhất quyền lợi người tham gia, ngành BHXH Việt Nam đã rà soát cắt giảm tối đa các TTHC, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Toàn bộ các quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách của Ngành đều được thực hiện trên phần mềm liên thông, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm nghiệp vụ khác và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành...

Có thể khẳng định, những kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực vượt khó vươn lên của đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành BHXH Việt Nam để thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Phóng viên: Như vậy, kết quả ngành BHXH Việt Nam đạt được trong 28 năm qua là rất toàn diện. Trong đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT,  chuyển đổi số (CĐS) của Ngành đã mang lại lợi ích lớn cho người tham gia, được các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đánh giá cao. Ông đánh giá thế nào về những thay đổi mang tính “đột phá” này của Ngành?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", ngành BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cắt giảm tối đa TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ.

Những nỗ lực này đã được các cấp các ngành cùng cộng đồng DN, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Việc chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ của Ngành đã được triển khai quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN.

Kết quả, đã cắt giảm từ 263 TTHC (năm 2009) xuống chỉ còn 25 TTHC, với 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; số giờ thực hiện TTHC cho người dân và DN giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn trên 100 giờ.

Ngành BHXH đã đổi mới, đa dạng phương thức phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Ngành BHXH đã đổi mới, đa dạng phương thức phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành...

Cùng với đó, Ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện đã có trên 28 triệu tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để đi khám chữa bệnh...

Tại Hội nghị ASSA lần thứ 38, BHXH Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục CNTT cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID-BHXH số”.

Công tác CĐS của ngành BHXH Việt Nam cũng có những bước tiến vững chắc, góp phần kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số. Nhờ đó, hệ thống cơ sở dữ liệu của Ngành liên tục được làm giàu, cập nhật với thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh; có khoảng 620 nghìn đơn vị đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống đã xác thực trên 74,1 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Có thể thấy, các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, DN với cơ quan BHXH được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH; giúp DN, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách...

Phóng viên: Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam sẽ triển khai giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Để tiếp tục thực hiện thành công các kế hoạch dài hạn và bền vững hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, chúng tôi xác định các giải pháp theo định hướng “kiến tạo”. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức, thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; phát triển ngành BHXH Việt Nam phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ tư, đảm bảo diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục phát triển một cách bền vững; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ năm, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đặc biệt là thanh tra chuyên ngành; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; các hành vi gian lận, trục lợi các Quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường và rà soát, đơn giản hóa các TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các quy trình nghiệp vụ để thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho DN, người dân; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Ngành.

Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành. Nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ CĐS của Ngành, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn.

Thứ tám, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người dân, DN.

Thứ chín, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, xử lý kịp thời các vướng mắc; hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho người người lao động, DN theo quy định.

Phát huy những thành quả tăng trưởng bền vững xuyên suốt 28 năm qua, cùng sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí một lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, ghi dấu mốc phát triển ấn tượng cho giai đoạn 30 năm xây dựng và phát triển vào năm 2025 tới đây.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!