Xác định rõ phương hướng giải quyết tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội
Chiều 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Dự kiến giám sát trực tiếp tại 8 bộ, ngành và 12 địa phương
Báo cáo Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, mục đích của giám sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 8 bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố không tổ chức đoàn giám sát về chuyên đề này nhưng có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện của địa phương và kết quả giám sát về nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát gửi về Đoàn giám sát theo Đề cương.
Chọn lọc vấn đề lớn, trọng tâm, trọng điểm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề cương khá toàn diện, công phu, bao quát nhiều nội dung; nhấn mạnh, trách nhiệm đối với giám sát chuyên đề này là rất lớn vì nhận được sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, xác định vấn đề trọng yếu, then chốt, đồng thời, gắn với những khó khăn, vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, liên quan đến cả đất đai để có được câu trả lời.
Kết luận nội dung làm việc, về phạm vi, nội dung giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Thường trực Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến, nghiên cứu, chọn lọc những vấn đề lớn, trọng tâm, trọng điểm. Cần tiếp cận vấn đề từ mục tiêu giám sát, bối cảnh giám sát, mối liên hệ giữa thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, nhất là khó khăn, vướng mắc, bất cập của thị trường bất động sản hiện nay mà Nhân dân quan tâm. Xác định những rủi ro, bất cập khác có liên quan, đồng thời, xác định rõ phương hướng giải quyết và yêu cầu các cơ quan hữu quan báo cáo làm rõ.
Về thời gian giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, có thể xem xét thời kỳ trước hoặc sau thời gian nêu trên nếu cần mở rộng đối tượng và phạm vi liên quan. Đoàn giám sát có thể điều chỉnh kế hoạch giám sát và yêu cầu các đối tượng chịu sự giám sát, các cơ quan có liên quan báo cáo bổ sung nội dung ngoài Đề cương để giám sát làm rõ các nội dung thuộc phạm vi chuyên đề giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Kế hoạch giám sát và các Đề cương kèm theo cần sớm hoàn thiện hồ sơ, gửi đến các đối tượng được giám sát và các cơ quan có liên quan theo mốc thời gian đã dự kiến tại dự thảo Kế hoạch chi tiết giám sát.