Xăng dầu giảm giá liên tiếp, cước vẫn… đứng im

Theo Đặng Nhật/Công an nhân dân

Thời gian gần đây giá xăng dầu giảm liên tục xuống mức thấp gần kỷ lục. Thế nhưng, giá cước vận tải dường như vẫn đứng im, một số dịch vụ như giá taxi có xu hướng “bật cao”. Không ai khác, người chịu thiệt hơn cả vẫn là hành khách…

Hiệp hội taxi cho biết chưa tính đến chuyện giảm giá cước vận tải.
Hiệp hội taxi cho biết chưa tính đến chuyện giảm giá cước vận tải.

Một xe chỉ được chở 50% số ghế thì khó giảm giá

Ngày 28/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá xăng dầu. Đây là lần thứ 8 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay giá xăng giảm, giá xăng E5 không cao hơn 10.942 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 11.631 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 9.941 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 7.965 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 8.670 đồng/kg.

Theo lý giải từ Bộ Công Thương, việc điều hành giá xăng dầu vừa bảo đảm phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kiểm soát lạm phát.

Nói là vậy, nhưng trên thực tế, sau khi giãn cách ly, giá cước vận tải dường như không có dấu hiệu giảm, thậm chí một số dịch vụ như taxi công nghệ có chiều hướng tăng hơn. Chị Lê Mận (quận Thanh Xuân-Hà Nội) chia sẻ: "Từ hôm taxi được phép hoạt động trở lại, tôi gọi lần nào cũng thấy cước tăng cao hơn hẳn so với trước kia. Cụ thể, cùng một quãng đường từ nhà đến cơ quan chừng 5km trước kia tôi gọi Grab mất khoảng 65.000đ thì nay lên tới hơn 80.000đ cùng một khung giờ như nhau".

Tương tự, chiều 30/4, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công ty quản lý bến xe Hà Nội cho biết, hiện các nhà xe đã được chạy 100% số chuyến đăng ký, và hàng trăm lượt xe khách đi các tỉnh đã xuất bến trong ngày đầu nghỉ lễ. Tuy nhiên, các nhà xe đều giữ nguyên giá như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, chưa có ai đăng ký tăng hay giảm giá.

Lãnh đạo Công ty quản lý bến xe Hà Nội cũng thông tin thêm, dù giá xăng dầu giảm ở mức kỷ lục, song do quy định vận chuyển mùa dịch bệnh,  các nhà xe vừa mới được quay lại hoạt động và chỉ được phép chở 50% số ghế, mà chi phí cho một chuyến xe thì không giảm, thế nên việc giảm giá vé là khó, nếu có giảm thì chắc phải chờ sau kỳ nghỉ lễ.

Khi nhắc đến việc giá xăng dầu giảm mà giá cước chưa giảm, đại diện hãng VIC taxi cho rằng, giảm giá cước vận tải ở thời điểm này là chưa hợp lý. Các hãng taxi chưa khôi phục hoàn toàn hoạt động, mới được 20% và chưa có khách nên chưa giảm giá. Đại diện VIC taxi cho hay, hãng có 1.000 xe nhưng hiện tại mới hoạt động được 20% nên chưa thể giảm giá vào thời điểm này. Đơn vị sẽ tính đến việc giảm giá khi trở lại hoạt động bình thường, hết dịch.

Nhà nước cần điều hành giá

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thông tin, các doanh nghiệp vận tải đang vô cùng khổ sở vì đại dịch COVID-19. Lượng khách sụt giảm từ 60-70% 2 tháng trở lại đây. Đại dịch khiến nhu cầu người dân, doanh nghiệp hạn chế đi lại đến mức thấp nhất. Bất đắc dĩ lắm mới nên ra đường.

Hiện tại chỉ có mỗi giá xăng dầu giảm khiến doanh nghiệp "đỡ" một phần, còn lại mọi chi phí khác vẫn phải "è cổ" lo trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu. Có doanh nghiệp 30% số xe dừng hoạt động, xe "đắp chiếu" nằm đó, lái xe nghỉ về quê. Ngoài ra có những khoản chi phí khác phát sinh mùa dịch như phí bảo hộ lao động, khẩu trang, dung dịch rửa tay, phun khử khuẩn liên tục. Có doanh nghiệp tốn 10 tỷ đồng cho việc này trong vòng 2 tháng qua.

"Khách hàng giảm mạnh, chúng tôi phải xây dựng gói hỗ trợ cho lái xe làm sao đủ tiêu chuẩn mức lương bình quân trên 4 triệu đồng, gốc lãi ngân hàng vẫn phải trả như thường. Ngân hàng nói giảm lãi suất, giãn nợ cho doanh nghiệp nhưng kêu đợi địa phương công bố dịch. Vận tải đường bộ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ đại dịch, nhiều doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn", ông Hùng chia sẻ. Vì nguyên do trên, ông Hùng cho biết các doanh nghiệp khó có thể tính chuyện hạ giá thành được.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ôtô Việt Nam cho hay: "Chưa có số lượng thống kê chính thức nhưng ước tính doanh thu ngành vận tải giảm 50% tuỳ từng loại hình. Nặng nhất là xe hợp đồng du lịch, gần như để không. Taxi cũng khổ không kém. Các xe tuyến cố định khác cũng giảm mạnh...". Theo ông Thanh, ở thời điểm này khi Chính phủ khuyến cáo hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh thì cũng không "kích cầu" bằng cách hạ giá cước vận tải.

Mặc dù đại diện cả hai hiệp hội đều đưa ra lý do khó giảm giá cước, song cũng có ý kiến từ chuyên gia kinh tế cho rằng, xăng dầu là sản phẩm hàng hóa đặc biệt tác động đến đầu vào của nhiều mặt hàng, khi giá xăng tăng, giá dịch vụ mặt hàng ngay lập tức tăng. Nhưng khi giá xăng giảm, thậm chí giảm sâu, giá dịch vụ không thay đổi là bất cập, là "bài ca muôn thuở" ở nước ta. Điều này chứng tỏ sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo.

Cơ quan chức năng phải xem xét, tính toán với việc giảm giá xăng sâu như vậy giá cước vận tải phải điều chỉnh giảm bao nhiêu cho hợp lý, đồng thời cần có quy định cụ thể để định hướng, điều hành giá khi giá xăng dầu thay đổi, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.