Tỉnh Sóc Trăng:
Xăng giảm giá nhưng hàng hóa vẫn “giậm chân” tại chỗ
Khi giá xăng lập đỉnh, hầu hết các mặt hàng đều tăng theo với lý do xăng dầu đóng vai trò “then chốt” trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, giá xăng từ ngưỡng gần 33.000 đồng/lít, nay chỉ còn chưa tới 25.000 đồng/lít nhưng hàng hóa vẫn “giậm chân” tại chỗ, đây là nghịch lý mà người dân không khỏi thắc mắc.
Khảo sát một vòng quanh các chợ truyền thống, hầu hết các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống; rau, củ, quả; gia vị vẫn ở mức cao. Theo cập nhật giá cả thị trường tại chợ Trung tâm TP. Sóc Trăng, ngày 23/8/2022 do Ban Quản lý chợ cung cấp cho thấy, giá heo hơi 6,5 triệu đồng/tạ, giá thịt heo nạc 90.000 đồng/kg, thịt đùi 85.000 đồng/kg, thịt ba rọi 110.000 đồng/kg, thịt bò đùi 230.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 270.000 đồng/kg…
Ông Trần Văn Thành - Phó Ban Quản lý chợ Trung tâm TP. Sóc Trăng cho biết, thời điểm giá xăng lập đỉnh thì giá hàng hóa đều tăng theo với lý do phí vận chuyển cao và hiện tại xăng đã giảm sâu, giá hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt, chỉ số ít mặt hàng có giảm nhưng không đáng kể. Lý giải nguyên nhân, ông Thành chia sẻ, như các loại rau cải, thịt, cá, tép… tại chợ chỉ giảm nếu nguồn cung vượt cầu hoặc phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời mưa, chợ ế, người bán tự động giảm giá chứ không phải giảm vì xăng xuống giá.
Chị G, chuyên bán thịt bò tại chợ Phường 2 cho rằng, xăng tăng thì hiển nhiên giá thịt bò tăng theo, tuy giá xăng có giảm nhưng chưa tương xứng vì thương lái cho rằng nguồn cung khan hiếm, giá thuê nhân công mắc. Chị G cho biết thêm, khoảng tháng nay mỗi ký thịt bò đùi và phi lê chị bán chỉ giảm được 10.000 đồng/kg nếu so với trước đó giá vẫn còn khá cao.
Chị Th, hành nghề buôn bán trái cây nhiều năm bộc bạch, giá trái cây tăng phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, trong đó có phí vận chuyển (xăng tăng giá), trái cây đầu vụ hoặc cuối vụ, do người bán giá cao… Chị lấy ví dụ, 2 người cùng lấy 1 đầu mối trái cây, mua cùng giá nhưng khi bán ra lại có sự chênh 5.000 đồng/kg. Ngược lại xăng giảm, phí vận chuyển vẫn vậy nhưng nguồn cung dồi dào (trái cây vào mùa) thì tự khắc sẽ giảm vì dội chợ chứ không phụ thuộc nhiều vào giá xăng.
Giá hàng hóa không giảm thì giá hàng ăn, dịch vụ ăn uống cũng mặc nhiên giữ nguyên. Anh L bộc bạch, nhiều quán ăn trên địa bàn TP. Sóc Trăng tăng giá nhiều tháng nay với lý do thịt, cá, rau, dầu ăn… đều tăng nên họ buộc đẩy giá lên mới có lời. Nhưng xăng hiện chỉ còn chưa tới 25.000 đồng/lít thì hầu hết các quán ăn cũng đã đóng khung giá, không điều chỉnh giảm với lý do giá thực phẩm vẫn cao ngất, chỉ có khách hàng là người chịu thiệt nên anh quyết định tự nấu ăn sáng tại nhà cho tiết kiệm chi phí.
Còn chị Ch, ức chế chia sẻ, khi xăng lên thì doanh nghiệp kêu trời, nay xăng giảm có mấy ai chịu giảm, chỉ người dân là thiệt nhất, để có bữa ăn đủ thịt, rau phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ, thương nhất là công nhân lao động thường xuyên phải ăn những bữa cơm thiếu chất, lâu dài sức đâu mà lao động. Chị Ch cho rằng, Nhà nước cần phải có biện pháp để bình ổn giá, làm sao giá hàng hóa giảm tương xứng với giá xăng.
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2022 nhìn chung ổn định, mức giảm không đáng kể so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng chủ yếu, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 6,78% (do giá xăng dầu trong kỳ báo cáo giảm mạnh) là yếu tố tác động chính đến việc giảm chỉ số giá tiêu dùng chung; 2 nhóm có chỉ số giá ổn định; 8 nhóm có mức tăng từ 0,02 - 0,85% so với tháng trước.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,69% so với tháng trước. Theo đó, chỉ số giá nhóm hàng lương thực tăng 0,11% chủ yếu do giá lương thực chế biến (bánh phở, mì, cháo, miến...) tăng; nhóm hàng thực phẩm tăng 0,65% chủ yếu do giá thịt heo các loại như thịt nạc, thịt đùi, tim, cật… tăng bình quân từ 2.000 - 6.000 đồng/kg; giá một số mặt hàng rau, củ, quả các loại như cà chua, bí xanh, rau muống, hành lá, hành củ… tăng nhẹ; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 1,67%.
Nếu so với cùng tháng năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2022 tăng 4,04%; so với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2022 tăng 5,87% và so với bình quân cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2022 tăng 3,64%; phần lớn tăng ở nhóm lương thực, thực phẩm, hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Qua đó cho thấy, giá xăng khi giảm chủ yếu tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, còn hàng lương thực, thực phẩm, hàng ăn và dịch vụ ăn uống hầu như không ảnh hưởng nhiều đến việc xăng xuống giá. Như vậy, nếu giá xăng dầu cao nó được xem là nguyên nhân chính làm cho hàng hóa tăng, ngược lại khi xăng được điều chỉnh giảm thì rất nhiều hàng hóa sẽ không bị chi phối.
Đặc biệt, Thủ tướng Chỉnh phủ có công điện yêu cầu các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó, quan tâm đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Hiện nhiều hàng hóa vẫn ở mức cao, dự báo nhiều mặt hàng sẽ còn biến động mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Vì vậy, người dân không khỏi lo lắng, nếu Nhà nước chỉ quan tâm kiềm chế giá xăng dầu thì vẫn chưa đủ mà cần có những giải pháp căn cơ nhằm bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo người dân có thể tiêu dùng phù hợp với túi tiền hiện có.