"Xanh hóa" để định hình kinh doanh bền vững

Bích Ngọc

Hiện biến đổi khí hậu đang là “bài toán chung” của toàn nhân loại, khi mà các cam kết Net Zero của chính phủ các nước vẫn còn hiệu lực thì sự chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu. Theo đuổi chiến lược kinh doanh bền vững trong hiện tại và tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ xanh hóa để định hình kinh doanh bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tìm kiếm cơ hội trong thách thức

Thế giới chúng ta đang hiện hữu những thách thức ngày càng gia tăng do bất ổn địa chính trị leo thang, xu hướng thế giới đa cực, phòng hộ thương mại, biến đổi khí hậu, rủi ro khủng hoảng an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Những “cơn gió ngược” này đang tạo ra những tác động nhất định đến nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những biến động khó lường đó vẫn còn những cơ hội kinh tế mới, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi công nghệ, năng lượng tái tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là “bài toán chung” của toàn nhân loại, khi mà cam kết Net Zero của Chính phủ các nước vẫn còn hiệu lực thì sự chuyển đổi sang “năng lượng xanh”, “sản xuất xanh”, “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế vị tự nhiên” là xu thế tất yếu. Kéo theo đó, các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời và hydro sẽ tiếp tục nhận được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát triển giải pháp các-bon thấp, tái chế và giảm thiểu rác thải sẽ được hưởng lợi từ chính sách và hỗ trợ tài chính của chính phủ. Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ, Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ đắc lực cho chuyển đổi xanh, khi đó cơ hội sẽ đẩy lùi thách thức và các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, tận dụng được những xu thế này sẽ vươn lên dẫn đầu và định hình lại “cuộc chơi” toàn cầu.

Ông Peter Bakker - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thế giới vì Phát triển Bền vững đã chỉ ra một số yếu tố tác động đến xu hướng phát triển bền vững trong năm 2025 gồm: Những thay đổi địa chính trị, dư chấn của chiến tranh thương mại, xung đột văn hóa và thế giới tương lai của AI.

Thích ứng và thay đổi

Doanh nghiệp là đối tượng phải đối mặt trực tiếp với những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng khí hậu và môi trường. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đáp ứng các quy định, chính sách xanh thị trường xuất khẩu và đảm bảo thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050, Việt Nam đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn phù hợp các cam kết, quy định, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, Chính phủ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững; áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, đổi mới sản xuất kéo dài vòng đời sản phẩm... Bộ Tài chính cũng ưu tiên triển khai các giải pháp, bố trí và huy động nguồn lực phù hợp trong việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Những hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành chỉ thực sự đạt hiệu quả cao khi các doanh nghiệp - chủ thể của nền kinh tế chủ động thích ứng và thay đổi cho một thế giới xanh. Mặc dù vậy, vẫn có đến khoảng 60% doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt trong chuyển đổi xanh, trong khi chúng ta đang chịu tác động lớn bởi nhiều chính sách xanh, đơn cử như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của EU.

Chuyển đổi xanh thông qua việc giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng mà còn tạo ra các giá trị bền vững cho chính các doanh nghiệp. Theo đuổi chiến lược kinh doanh bền vững trong hiện tại và tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam cần “cân đo đong đếm” kỹ lưỡng chi phí, rủi ro, năng lực thực thi, tiến độ thực tế và những yếu tố xã hội đi kèm để xây dựng kế hoạch chuyển đổi chiến lược kinh doanh của mình.

Trong bối cảnh các quy định về môi trường, khí hậu và báo cáo phát triển bền vững đang ngày càng phức tạp và chặt chẽ hơn, môi trường pháp lý cũng sẽ thay đổi theo. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải theo dõi, chủ động nắm bắt các quy định pháp lý, sớm thích ứng và kịp thời điều hướng để không chỉ tránh rủi ro pháp lý mà còn tận dụng các cơ hội mới.

Một điều quan trọng là doanh nghiệp cần “chuyển đổi lấy con người làm trung tâm”, chú trọng đào tạo, đào tạo lại nhân sự, hỗ trợ công bằng cho đối tượng bị ảnh hưởng và đảm bảo quyền lợi của cộng đồng trong quá trình chuyển đổi xanh.