Xây dựng đô thị thông minh: Đồng bộ, không chắp vá

Theo Trần Hải/daibieunhandan.vn

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ việc bùng nổ đô thị và tốc độ đô thị hóa chóng mặt trên toàn quốc. Vì vậy, phát triển đô thị thông minh là một trong những đòi hỏi cấp bách, góp phần kiểm soát tác động đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an ninh xã hội…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nâng cao chất lượng sống cho cư dân

Việt Nam có xu hướng đô thị hóa rất nhanh, phạm vi lớn, từ tỷ lệ chỉ có 19,6% với 629 đô thị vào năm 2009, đã tăng lên 36,6% với 802 đô thị trong năm 2016, và tỷ lệ đô thị hóa vào năm 2020 sẽ tăng lên 45%. Dự kiến 2/3 dân số Việt Nam sẽ sống ở khu vực đô thị (thay vì 1/3 dân số như hiện nay)… Trước áp lực gia tăng dân số, đòi hỏi các đô thị thay đổi phương thức sống, thay đổi về giao thông, năng lượng.

Giải pháp để giải quyết vấn đề này chính là xây dựng đô thị thông minh để đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng. Sự phát triển của các đô thị kéo theo nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) nhằm giải quyết vấn đề bức xúc của xã hội.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin - Truyền thông Phan Thảo Nguyên cho biết: Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… ngày càng gia tăng dân số cơ học cũng đồng nghĩa với việc các thành phố phải đương đầu với tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng. Việc sử dụng các công nghệ đô thị thông minh là vô cùng cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an ninh xã hội, đồng thời để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.

Trước thực tế trên, với quan điểm ĐTTM là giải pháp đột phá trong tình hình mới để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong trung hạn và dài hạn, việc triển khai ĐTTM nhằm giải quyết tốt hơn các áp lực lên đô thị xoay quanh 6 lĩnh vực: Nền kinh tế thông minh, Chính quyền thông minh, Di chuyển thông minh, Môi trường thông minh, Cuộc sống thông minh, Cư dân thông minh.

Với các mục tiêu chiến lược đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục triển khai đồng bộ kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống hóa và từng bước hoàn thiện Kiến trúc CPĐT Việt Nam.

Mặt khác, từ đầu năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cũng đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tạo điều kiện học tập kinh nghiệm phát triển tại các đô thị tiên tiến, xây dựng mô hình ĐTTM điển hình phù hợp với Việt Nam.

Các hoạt động chính bao gồm: đánh giá các nền tảng công nghệ quan trọng, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật  CNTT và rà soát hiện trạng ứng dụng CNTT-TT, xây dựng các văn bản pháp lý cần thiết, danh mục dịch vụ thông minh ưu tiên triển khai tại các đô thị, khung kiến trúc tham chiếu xây dựng ĐTTM, hướng dẫn tiêu chí đánh giá công nhận các lĩnh vực ĐTTM, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hỗ trợ trực tiếp cho một số địa phương trong cả nước xây dựng quy hoạch, đề án xây dựng các ĐTTM.

Khó cũng phải quyết tâm làm

Theo các chuyên gia quốc tế, việc xây dựng ĐTTM sẽ đồng nghĩa với việc công khai, minh bạch, giảm thời gian thủ tục hành chính… điều này sẽ kéo theo quyền lợi cá nhân, cơ quan đó mất đi. Chính những điều này có thể sẽ gây cản trở việc xây dựng ĐTTM tại Việt Nam.

Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, việc xây dựng ĐTTM cũng đang gặp không ít thách thức, vì việc quản trị đô thị gồm dự báo, quy hoạch và điều hành ở thành phố hiện vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng phục vụ người dân chưa thực sự tốt, thu nhập người dân đã tăng trưởng mạnh từ dưới 2.000 USD/người năm 2010 lên 5.000 USD/người năm 2017, song sự tăng trưởng về thu nhập đồng nghĩa với nhu cầu về y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, hành chính công ngày càng cao.

Điều này đặt ra thách thức lớn cho lãnh đạo thành phố trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Việc khuyến khích người dân tham gia vào quá trình giám sát, xây dựng và phát triển đô thị cần được đẩy mạnh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tại hội thảo Việt - Pháp về xây dựng ĐTTM do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary cũng nhận định: Hạ tầng viễn thông của Việt Nam tương đối tốt, tỷ lệ người truy cập internet tăng nhanh; Chính quyền điện tử được phát triển mạnh, đây là những thành tố cốt lõi của phát triển ĐTTM.

Hạ tầng CNTT ở vùng sâu, xa còn lạc hậu, chậm phát triển; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử đang được xây dựng chậm. Cùng với đó, các ứng dụng CNTT thiếu kết nối, chia sẻ còn hạn chế, ảnh hưởng đến ĐTTM; Môi trường pháp lý tạo điều kiện cho phát triển ứng dụng CNTT cần tiếp tục được hoàn thiện như quy định về quản lý đầu tư, mô hình đầu tư phải hoàn thiện; Một số lãnh đạo địa phương còn chưa quan tâm, quyết liệt ứng dụng CNTT để phát triển kinh tế xã hội…

Những hạn chế này khiến việc xây dựng, phát triển ĐTTM của Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn… Dẫu vậy, trước xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng ĐTTM đối với Việt Nam là đòi hỏi cấp thiết, khó cũng phải làm, bởi ĐTTM hình thành cũng đồng nghĩa với hệ thống hạ tầng từ giáo dục, giao thông… thông minh cũng được hình thành, hệ thống này sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho cư dân sống ở đô thị.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, xây dựng thành công ĐTTM, các kế hoạch đưa ra phải được thực hiện đồng bộ, không được chắp vá…