Xây dựng quan hệ với sếp mới
Sếp của bạn quyết định ra đi, một người khác thay thế vị trí ấy. Làm sao để xây dựng một mối quan hệ làm việc tích cực và hiệu quả với sếp mới?
Karen Dillon, đồng tác giả của cuốn Competing Against Luck (tạm dịch: Đừng lệ thuộc vào sự may mắn) cho rằng có một khởi đầu tốt đẹp với sếp mới là điều rất quan trọng. “Nói chung, một người mới gặp thường sẽ hình thành một số ấn tượng ban đầu về bạn rất nhanh chóng và bạn nên cố gắng tạo ra những ấn tượng tích cực”, Dillon chia sẻ.
Trong khi đó, Michael Watkins - Chủ tịch của Genesis Advisors, tác giả của cuốn The First 90 Days (tạm dịch: 90 ngày đầu tiên), khuyên nhân viên nên đặt mình vào vị trí của sếp mới thay vì chỉ quan tâm đến nhu cầu của cá nhân. “Hãy luôn tự hỏi, tôi có thể làm gì để giúp sếp mới hội nhập nhanh hơn?”, Watkins viết.
Dưới đây là một số lời khuyên khác của các chuyên gia nói trên giúp nhân viên xây dựng quan hệ tốt với sếp mới.
Tìm những điểm chung. Watkins khuyên nên tìm hiểu một số thông tin về sếp mới như sở thích, các câu chuyện thành công trước kia của sếp.
Tìm hiểu qua một số người đã từng làm việc chung với vị sếp này trước đây, hay dựa vào hồ sơ cá nhân của các nhà quản lý, những người hoạt động chuyên môn trên trang LinkedIn hoặc một số mạng xã hội khác.
Việc tìm hiểu các điểm chung về gia đình, môn thể thao yêu thích hoặc các hoạt động ngoại khóa khác sẽ giúp nhân viên dễ dàng “phá băng” trong lần tiếp xúc đầu tiên với sếp mới và để lại những ấn tượng tốt.
“Có thể phải mất một thời gian vài ngày đến vài tuần để có mối quan hệ sâu hơn và tốt hơn với sếp mới, nhưng nếu có được những điểm tương đồng thì bạn sẽ có một khởi đầu thuận lợi với sếp”, Dillon giải thích.
Đồng cảm. Theo các chuyên gia, ngay cả khi bạn đang lo lắng về việc chứng minh năng lực hay giá trị của mình trước một vị sếp mới thì cũng nên nhìn mọi vấn đề từ góc độ của sếp. Khi đó, bạn sẽ hiểu rằng sếp mới thường gặp rất nhiều áp lực và sẽ thông cảm hơn với sếp.
Dillon kể lại từng có ấn tượng với một nhân viên khi về làm sếp ở một công ty mới trong ngày đầu tiên: “Tôi gặp gỡ rất nhiều người trong ngày đó và cô ấy là người cuối cùng. Cô ấy chỉ đưa cho tôi bản lý lịch công việc của cô ấy và nói rằng “Em muốn chị biết thêm một chút về bản thân em. Đây là những việc em đã làm. Em mong rằng khi nào chị sẵn sàng thì chị em mình sẽ trao đổi về cách làm việc với nhau”. Chỉ có vài phút như thế, nhưng đây quả là một cách tiếp cận gây thiện cảm rất tốt của một cựu nhân viên đối với một nhà quản lý mới như tôi”.
Còn Watkins thì khuyên: “Sếp mới thường có xu hướng tìm sự đồng cảm trong vài tuần đầu làm việc. Hãy tìm hiểu sếp mới đang gặp những thay đổi gì, những điều gì đang tạo ra thách thức cho họ và giúp họ vượt qua những khó khăn ấy”.
Giữ thái độ trung lập. Các sếp mới rất dễ nhận ra sự đả kích hay nịnh bợ từ những nhân viên xung quanh.
“Không nên tỏ ra quá ưu ái với sếp mới ngay từ đầu. Nhưng cũng đừng nên xa cách và phòng thủ. Cách tốt nhất là giữ thái độ trung lập”, Watkins khuyên.
“Có nhiều nhân viên vì nóng lòng tạo ra ấn tượng tốt với sếp mới nên đã có những hành vi hay thái độ thái quá. Tốt nhất, bạn không nên ở trong số này”, Dillon chia sẻ.
Tìm hiểu phong cách giao tiếp của sếp mới. Theo Waltkins, nên làm điều này càng sớm càng tốt.
Hãy tìm hiểu sếp thích những phong cách giao tiếp như thế nào trong những tình huống, vấn đề khác nhau. Sếp thích sử dụng thư điện tử, gọi điện thoại, gửi tin nhắn hay trao đổi trực tiếp? Sếp muốn cân nhắc các yếu tố có lợi và bất lợi, điểm mạnh và điểm yếu trước khi ra quyết định hay muốn nhân viên đưa ra đề xuất trước?
Nắm được những thông tin này sẽ giúp nhân viên tránh được sự hiểu lầm có thể làm cho công việc phức tạp hơn hoặc đưa các bên đến một tình huống khó khăn.
Cách tốt nhất để tìm hiểu những thông tin này là gì? “Hãy hỏi trực tiếp. Ngay cả khi các sếp chưa có câu trả lời ngay vì họ vẫn đang suy nghĩ về điều đó thì ít nhất họ cũng biết bạn đang rất cởi mở và muốn làm việc hiệu quả với sếp”, Dillon khuyên.
Giúp sếp sớm đạt các thành tích. Dù đang có những quan tâm gì thì cũng nên để ý đến những nhiệm vụ ưu tiên của sếp và cố gắng giúp sếp “ghi điểm” trong những nhiệm vụ ấy càng sớm càng tốt.
“Bạn thậm chí còn có thể giúp sếp nhận diện những mặt trận có thể sớm gặt hái thành công và những lĩnh vực cần phải nỗ lực một thời gian để tạo ra những tác động lớn hơn”, Watkins khuyên.
“Hỗ trợ sếp theo cách này sẽ chứng tỏ bạn là người có tinh thần làm việc đồng đội cao, sẵn sàng giúp sếp thực hiện các mục tiêu mà sếp bắt đầu phát triển. Nếu điều đó tốt cho công ty, tốt cho sếp thì cũng sẽ tốt cho bạn”, Dillon giải thích.
Luôn chủ động đưa ra giải pháp. Vì phải thay đổi môi trường làm việc nên các sếp mới thường gặp phải nhiều vấn đề thách thức.
“Không nên trở thành một nhân viên “cá biệt” trong mắt sếp với những lời than phiền không ngớt. Thay vào đó, hãy tạo cho mình một vị trí “đặc biệt” bằng cách chủ động đưa ra các giải pháp, đề xuất để giải quyết các khó khăn mà sếp đang gặp”, Dillon khuyên.
“Cách làm việc và tương tác như thế sẽ giúp bạn để lại những ấn tượng tốt khó quên. Khi bạn giúp sếp phát triển và hoàn thành tốt các kế hoạch, chỉ tiêu thì cũng chính là lúc bạn tự giúp mình phát triển nghề nghiệp của mình”, Watkins chia sẻ quan điểm.