Xây dựng và vận hành kho dữ liệu ngân sách nhà nước tạo nền tảng xây dựng Chiến lược ngành Tài chính số

Bùi Tiến Sỹ - Trưởng phòng Thống kê, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính)

Kho dữ liệu ngân sách nhà nước được xây dựng để chuẩn hóa dữ liệu, tạo lập mô hình, phương thức khai thác báo cáo dữ liệu và phân tích dữ liệu đáp ứng yêu cầu về thông tin ngân sách nhà nước phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính và cơ quan tài chính các cấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc Bộ Tài chính hoàn thành nội dung triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng Kho dữ liệu ngân sách nhà nước vừa qua đã góp phần xây dựng và triển khai các nền tảng để phát triển chiến lược dữ liệu của ngành Tài chính với trọng tâm hướng tới là công tác quản trị dữ liệu (Data Governance).

Tổng quan về hệ thống Kho dữ liệu ngân sách nhà nước

Theo Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Tài chính (Quyết định số 2376/QĐ-BTC ngày 01/11/2016) và Danh mục CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính (tại Quyết định số 2575/QĐ-BTC ngày 15/12/2017), Danh mục CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính gồm 12 CSDL: CSDL chuyên ngành quản lý Thuế; quản lý Kho bạc; quản lý Hải quan; quản lý Chứng khoán; quản lý Giá; quản lý thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN); quản lý Dự trữ nhà nước; quản lý Bảo hiểm; quản lý Nợ công; quản lý Tài sản công; quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính.

Kho dữ liệu NSNN (Kho dữ liệu NSNN) là một trong những CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính được xây dựng và đưa vào vận hành chính thức từ cuối tháng 12/2018. Đến nay, hệ thống vận hành ổn định đảm bảo an toàn an ninh thông tin, đáp ứng đa dạng, kịp thời nhu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành thường xuyên, đột xuất, giúp giảm thiểu thời gian, nguồn lực thực hiện công tác khai thác, tổng hợp báo cáo về NSNN của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Kho dữ liệu NSNN là tập hợp các dữ liệu về ngân sách nhà nước và các dữ liệu kinh tế xã hội khác được sắp xếp, tổ chức để quản lý, vận hành và khai thác thông qua phương tiện điện tử. Kho được xây dựng và triển khai tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc, thực hiện chức năng đồng bộ, bổ sung dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, tổng hợp dữ liệu để khai thác, lập báo cáo tĩnh, báo cáo tùy biến, báo cáo đồ họa (Dynamic Reports, Charts, Dashboards, Analysis...), truy vấn đột xuất theo các chiều thông tin khác nhau phục vụ công tác quản lý, điều hành, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tài chính - NSNN.

Phạm vi nghiệp vụ

Theo Luật NSNN 2015 và những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, hệ thống các chế độ thông tin báo cáo về NSNN rất lớn. Kho dữ liệu NSNN hỗ trợ tổng hợp phần lớn những báo cáo về NSNN, bao gồm: Tổng hợp báo cáo theo mẫu biểu quy định (báo cáo tĩnh) phục vụ quản lý, điều hành NSNN, phục vụ tổng hợp báo cáo cơ quan cấp trên, phục vụ công tác công khai NSNN, phục vụ tổng hợp theo các mẫu quyết toán...; tổng hợp các báo cáo đồ họa (biểu đồ, bản đồ), trực quan hóa dữ liệu giúp người sử dụng nhanh chóng nắm bắt, phân tích thông tin chung về tình hình thu, chi NSNN. Đồng thời, Kho dữ liệu NSNN cung cấp báo cáo động cho phép người sử dụng có thể kéo thả các chỉ tiêu, tự tạo các mẫu biểu báo cáo, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu khai thác dữ liệu của các đơn vị (drill down, drill up, drill through dữ liệu theo các chiều và theo phân cấp dữ liệu). Kho dữ liệu NSNN đã xây dựng phiên bản web di động để giúp các cấp Lãnh đạo có thể truy cập, cập nhật tình hình về thu, chi NSNN “mọi lúc, mọi nơi”.

Xây dựng và vận hành kho dữ liệu ngân sách nhà nước tạo nền tảng xây dựng Chiến lược ngành Tài chính số  - Ảnh 1

Kho dữ liệu NSNN cung cấp khoảng 180 báo cáo chuẩn, bao gồm phần lớn các báo cáo thuộc các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19/01/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 974/2020/ UBTVQH14 ngày 13/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14); Quyết định số 715/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 31/12/2016 của Chính phủ; Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ; Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính; Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính; Thông tư số 77/2017/ TT-BTC ngày 28/07/2017 của Bộ Tài chính.

Cơ chế tích hợp và tổng dữ liệu vào Kho

- Nguồn dữ liệu: Kho dữ liệu NSNN thực hiện đồng bộ dữ liệu từ 4 nguồn bao gồm: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS); Hệ thống quản lý thu NSNN tập trung tại KBNN (TCS); Hệ thống thông tin thống kê tài chính (TTTK); Danh mục dùng chung điện tử dùng chung ngành tài chính (DMDC).

- Công nghệ xây dựng: Kho dữ liệu NSNN ứng dụng công nghệ trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay trong việc xây dựng một kho dữ liệu (Datawarehouse) chuẩn và triển khai các công cụ báo cáo thông minh Business Intelligence nhằm chuẩn hóa dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và tối ưu hóa hiệu quả khai thác thông tin từ kho dữ liệu.

- Giải pháp công nghệ tích hợp dữ liệu sử dụng công cụ ODI để quản lý quá trình chuyển đổi dữ liệu qua các giai đoạn xử lý (các tiến trình ETL), kiểm tra dữ liệu đầu vào, đầu ra cũng như phát hiện các lỗi phát sinh trong quá trình xử lý dữ liệu.

- Giải pháp công nghệ đồng bộ dữ liệu sử dụng công cụ OGG để đồng bộ dữ liệu giữa hệ thống nguồn và đích, kiểm soát mọi sự thay đổi từ hệ thống nguồn và đảm bảo tính đầy đủ và toàn vẹn khi dữ liệu đến hệ thống đích, có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu phát sinh rất lớn.

- Công nghệ khai thác dữ liệu thông minh cho phép xây dựng nhiều loại báo cáo khác nhau (Báo cáo tĩnh, báo cáo phân tích tùy biến, báo cáo đồ họa...), cho phép khai thác dữ liệu linh hoạt, đa chiều, qua nhiều loại thiết bị khác nhau (máy tính, thiết bị di động), cho phép người sử dụng tự thiết kế báo cáo khi phát sinh nhu cầu phân tích theo các chỉ tiêu dữ liệu động để tạo lập, in và tải xuống báo cáo theo các hình thức khác nhau (.html, .xml, .ppt, .xls, .pdf, .csv). Người sử dụng có thể tạo lập các báo cáo self-service thông qua cung cấp các tính năng như kéo- thả, lựa chọn các tham số và kết xuất các báo cáo phân tích (Có tính năng kéo thả linh hoạt, hỗ trợ các function tính toán thuận tiện cho phép nghiệp vụ có thể truy xuất dữ liệu báo cáo theo nhiều chiều thông tin một cách dễ dàng).

Xây dựng và vận hành kho dữ liệu ngân sách nhà nước tạo nền tảng xây dựng Chiến lược ngành Tài chính số  - Ảnh 2

- Dịch vụ dữ liệu (Data Service) cho phép tích hợp, cung cấp dữ liệu cho các hệ thống khác khai thác.

- Tần suất nhận dữ liệu: Dữ liệu từ các hệ thống được truyền nhận tự động về Kho dữ liệu NSNN, có cơ chế đối soát dữ liệu nguồn với dữ liệu đích, sau đó dữ liệu được chuẩn hóa, làm sạch trước khi lưu vào Kho và tổng hợp báo cáo. Dữ liệu từ nguồn TABMIS được truyền sang Kho dữ liệu NSNN theo tần suất hàng ngày và được thực hiện vào 03h00 sáng hôm sau; Dữ liệu DMDC được truyền khi phát sinh thay đổi; Hệ thống quản lý thu NSNN tập trung tại KBNN và Hệ thống thông tin thống kê tài chính được truyền nhận với tần suất 01 lần/ngày thực hiện vào 01h00 sáng ngày hôm sau.

- Nguyên tắc tổng hợp dữ liệu: Kho dữ liệu NSNN thực hiện nhận bao gồm dữ liệu chi tiết theo hệ thống kế toán đồ (Chart of Accounts) và bộ công thức tính chỉ tiêu báo cáo. Việc tích hợp đồng thời cả dữ liệu và bộ công thức tính toán chỉ tiêu từ hệ thống nguồn sang Kho dữ liệu NSNN đảm bảo tính đồng bộ, tính nhất quán về dữ liệu giữa các hệ thống và tính thống nhất bộ công thức tính toán các chỉ tiêu giữa các báo cáo.

+ Giải pháp nghiệp vụ: Với số lượng lớn các báo cáo cần được tổng hợp lớn, nhiều chỉ tiêu báo cáo được quy định trong các chế độ khác nhau, để đảm bảo tính nhất quán chỉ tiêu dữ liệu giữa các báo cáo và tính hiệu năng của ứng dụng, Kho dữ liệu NSNN thực hiện xây dựng bộ chỉ tiêu chung và bộ công thức chung. Theo đó, dữ liệu sau khi được tính toán theo bộ công thức chung sẽ tổng hợp nên các chỉ tiêu chung, từ các chỉ tiêu chung làm cơ sở để tổng hợp lên các mẫu biểu dữ liệu. Điều này đảm bảo tính nhất quán cao giữa các biểu dữ liệu, giữa các hệ thống báo cáo trong toàn Ngành.

Quy mô và phạm vi triển khai

Kho dữ liệu NSNN đã được tổ chức đào tạo trước khi đi vào vận hành chính thức và thường xuyên tổ chức đào tạo cập nhật, thực hiện cấp quyền truy cập, khai thác cho người sử dụng là cán bộ thuộc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Kho Bạc Nhà nước; 63 Cục Thuế, 63 Sở Tài chính tỉnh/TP trực thuộc trung ương, 714 phòng Tài chính và Kế hoạch các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng Tài chính – Kế hoạch) và các Bộ, cơ quan trung ương.

Ngày 19/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định số 1220/QĐ-BTC ban hành Quy chế Quản lý, vận hành, khai thác Kho dữ liệu NSNN để quy định chung về điều kiện vận hành, tài khoản quản trị, tài khoản người sử dụng; Quản lý hệ thống, hạ tầng Kỹ thuật; Quản lý về nghiệp vụ; đồng bộ dữ liệu vào Kho từ hệ thống dữ liệu nguồn; chuẩn kỹ thuật, chuẩn thông tin áp dụng cho việc xây dựng Kho; khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu...

Kết quả triển khai Kho dữ liệu ngân sách nhà nước

Từ khi đưa vào vận hành chính thức đến nay, Kho dữ liệu NSNN đã đóng góp đáng kể trong quản lý, điều hành NSNN, đánh giá, hoạch định chính sách tài khóa… cũng như xây dựng Kế hoạch tài chính- ngân sách trung và dài hạn.

Thứ nhất, Kho dữ liệu NSNN hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị thuộc Bộ trong quản lý, điều hành, đánh giá và hoạch định chính sách tài khóa trên số liệu như:

- Đối với lĩnh vực quản lý NSNN: Với nhu cầu khai thác đa dạng, bên cạnh những mẫu biểu báo cáo đã được ban hành theo chính sách, việc xây dựng những báo cáo điều hành riêng và đồng thời xây dựng báo cáo tổng hợp số thu, chi của tất cả 63 tỉnh, thành trên một báo cáo để phục vụ công tác tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện dự toán của toàn quốc, đánh giá công tác thu ngân sách cuối năm với các địa phương, giảm tải phần lớn thời gian khai thác dữ liệu của từng địa phương riêng lẻ. Đồng thời, số liệu tổng hợp của 63 địa phương trên cùng một báo cáo giúp dễ dàng so sánh, đối chiếu dữ liệu giữa các địa phương, qua đó dễ dàng đưa ra phân tích, đánh giá, giúp điều hành cân đối giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, kho dữ liệu giúp thực hiện các yêu cầu tổng hợp những số liệu, báo cáo phục vụ xây dựng kế hoạch tài chính – ngân sách trung hạn, công tác xây dựng dự toán hàng năm, đánh giá việc phân cấp ngân sách, đánh giá các cơ chế chính sách khác, tổng hợp, cung cấp dữ liệu phục vụ tính GDP, GRDP của Tổng cục Thống kê, hoặc các yêu cầu phát sinh đột xuất khác theo chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và thực hiện rà soát số liệu các báo cáo quyết toán của các địa phương và cung cấp dữ liệu thực hiện giải trình với cơ quan Kiểm toán Nhà nước về số liệu quyết toán.

- Đối với lĩnh vực quản lý nợ công: Hệ thống cung cấp báo cáo liên quan tới nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực quản lý nợ như báo cáo về tình hình thực hiện dự toán chi đầu tư ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh/cấp huyện/cấp xã chi tiết tới từng dự án; báo cáo vay và trả nợ NSNN, ngân sách địa phương; tổng hợp ghi thu, ghi chi ngân sách trung ương vốn nước ngoài; ghi thu, ghi chi vốn nước ngoài của ngân sách tỉnh/ thành phố.

- Đối với cơ quan Thuế các cấp: Cơ quan thuế các cấp khai thác dữ liệu hàng ngày, phục vụ công tác điều hành thu NSNN. Tổng cục Thuế sau khi được cấp quyền truy cập, khai thác dữ liệu, đã đề nghị xây dựng thêm các báo cáo đặc thù cho riêng ngành Thuế khai thác, các báo cáo được xây dựng độc lập cho từng cấp Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế thường xuyên khai thác dữ liệu phục vụ phân tích, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới thu NSNN cũng như hỗ trợ hoạch định cơ chế, chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ khai thác dữ liệu xem xét ảnh hưởng của giá dầu tăng cao đối với thu NSNN trong những tháng đầu năm 2022 và phân tích tác động của những chính sách thu khác. Ngoài ra, Kho dữ liệu NSNN hỗ trợ đắc lực trong công tác điều hành thu ngân sách cuối năm để rà soát từng khoản thu với từng địa phương, đặc biệt đối với những địa phương chưa hoàn thành thu để phục vụ công tác điều hành thu NSNN.

- Kho dữ liệu NSNN đã được triển khai ứng dụng web phù hợp trên thiết bị di động (Mobile, Tablet). Theo đó, trên thiết bị di động, Kho dữ liệu NSNN cung cấp thông tin tổng hợp và chủ yếu dưới dạng đồ họa: biểu đồ, bản đồ, thể hiện tổng quan tình hình thu NSNN so dự toán, tình hình thu ngân sách trên địa bàn của 63 tỉnh thành so dự toán, nhóm tình hình thu ngân sách trên địa bàn của 16 tỉnh thành tự cân đối thu chi…; đánh giá thu NSNN theo cơ cấu các loại hình doanh nghiệp và theo các lĩnh vực thu; đánh giá tình hình thu, chi của các địa phương trên bản đồ với sự phân biệt theo màu sắc, đặc biệt trong những tháng cuối năm bằng trực quan có thể thấy rõ những tỉnh, thành nào chưa hoàn thành dự toán hoặc hoàn thành ở mức cao, mức thấp bằng thanh phân chia màu sắc gắn với các mức hoàn thành dự toán. Bên cạnh đó, phiên bản trên thiết bị di động cũng cung cấp dữ liệu dưới dạng bảng biểu dữ liệu chi tiết các khoản thu, chi theo chuỗi thời gian để đáp ứng đa dạng nhu cầu khai thác và hỗ trợ việc khai thác dữ liệu “mọi lúc, mọi nơi”, những nhu cầu phát sinh đột suất đều có thể truy cập, tra cứu, phục vụ đắc lực cho các cuộc họp của các cấp lãnh đạo với những yêu cầu đột xuất, chưa được chuẩn bị trước.

Thứ hai, với các bộ, cơ quan Trung ương: Kho dữ liệu NSNN đã phân quyền dữ liệu, cho phép các bộ, cơ quan Trung ương được khai thác dữ liệu theo phạm vi dữ liệu do bộ, cơ quan Trung ương quản lý (theo Chương của bộ, cơ quan Trung ương). Hình thức truy cập, khai thác tương tự như truy cập vào TABMIS: Các bộ, cơ quan Trung ương dùng VPN để truy cập mạng nội bộ của ngành Tài chính, sau đó truy cập vào Kho dữ liệu NSNN. Các bộ, cơ quan Trung ương có thể khai thác dữ liệu chi tiết theo mục lục NSNN. Hiện nay, các bộ, cơ quan Trung ương truy cập, khai thác chưa nhiều. Trong thời gian tới, cần chủ trọng đào tạo, hướng dẫn, trao đổi trực tiếp với từng bộ, cơ quan Trung ương để hướng dẫn tăng cường truy cập, khai thác dữ liệu.

Thứ ba, đối với cơ quan tài chính địa phương các cấp: Cơ quan tài chính địa phương các cấp cần phải tổng hợp báo cáo phục vụ báo cáo cơ quan tài chính cấp trên, báo cáo Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân số liệu dự toán, tình hình thực hiện dự toán, số liệu quyết toán và số liệu công khai NSNN… Kho dữ liệu NSNN đã cho phép tổng hợp phần lớn những báo cáo này, giảm gánh nặng nhân lực, thời gian tổng hợp báo cáo của cán bộ làm công tác ngân sách các cấp để dành thời gian tập trung vào công tác phân tích, đánh giá, quản lý, điều hành ngân sách. Trước đây, nhiều địa phương đã tự xây dựng những CSDL về thu chi ngân sách với nguồn kinh phí lớn, tuy nhiên sau khi được đào tạo hướng dẫn, các địa phương đã chuyển sang khai thác Kho dữ liệu NSNN hàng ngày phục vụ công tác làm báo cáo và công tác quản lý, điều hành ngân sách. Nhiều địa phương đã sử dụng Kho dữ liệu NSNN để phục vụ công tác quyết toán NSNN theo trình tự: Truy cập vào Kho dữ liệu NSNN, đối soát dữ liệu, và in các báo cáo quyết toán để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, do Kho dữ liệu NSNN tổng hợp cả những báo cáo quyết toán và báo cáo chấp hành nên người sử dụng có thể so sánh, đối chiếu, trong trường hợp có sự chênh lệch, có thể phát hiện những chứng từ hoặc những khoản thu chi chưa được quyết toán như những khoản tạm thu, tạm chi… qua đó, phối hợp với cơ quan kho bạc để điều chỉnh hạch toán.

Ngoài ra, với số lượng các loại báo cáo đa dạng, nhiều địa phương khai thác dữ liệu rất linh hoạt, có thể sử dụng những mẫu biểu báo cáo quyết toán để tổng hợp những báo cáo dữ liệu điều hành để phục vụ nhu cầu của địa phương. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng Kho dữ liệu NSNN, đảm bảo sự thống nhất, sử dụng chung một nguồn cung cấp thông tin về ngân sách nhà nước, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý NSNN.

Bài học kinh nghiệm

Kho dữ liệu NSNN được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng để hỗ trợ kịp thời trong việc cung cấp các số liệu về NSNN trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính ngân sách của Bộ Tài chính phục vụ cho quản lý điều hành của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan tài chính địa phương, sơ bộ về các lợi ích, hiệu quả như sau:

- Giúp tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý tài chính của Bộ Tài chính, Chính phủ. Đảm bảo tính chính xác, kịp thời của công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia thông qua việc sử dụng một nguồn thông tin, dữ liệu trung thực duy nhất, tin cậy về dữ liệu tài chính công.

- Nâng cao năng lực phân tích chính sách trên CSDL với khả năng phân tích, sử dụng các công cụ báo cáo thông minh (BI) là công nghệ mới được khai thác một cách hiệu quả; Hỗ trợ người dùng nâng cao năng lực phân tích, hoạch định chính sách tại các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Tài chính.

- Người dùng tại bộ, ngành, địa phương sử dụng Kho dữ liệu NSNN để khai thác và sử dụng thống nhất theo đúng các quy trình xử lý nghiệp vụ được ban hành Quy chế Quản lý, vận hành, khai thác Kho dữ liệu NSNN (Quyết định số 1220/QĐ-BTC ngày 19/7/2019). Qua đó, cải thiện dịch vụ cung cấp dữ liệu, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị sử dụng các nguồn lực tài chính.

- Chiến lược dữ liệu hiệu quả thừa nhận các trụ cột: con người và tổ chức; quy trình và quản trị; chính sách và công nghệ. Chiến lược dữ liệu có những điều kiện tiên quyết sau: Chiến lược nghiệp vụ (hay chiến lược kinh doanh đối với doanh nghiệp), thực hành quản lý dữ liệu hiện tại, thực hành quản lý dữ liệu mong muốn trong tương lai và phân tích khoảng cách giữa thực tiễn quản lý dữ liệu trạng thái hiện tại và tương lai. Chiến lược dữ liệu bao gồm một lộ trình mô tả các dự án ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm giải quyết các lỗ hổng được mô tả trong phân tích khoảng cách. Việc triển khai và đưa vào sử dụng Kho dữ liệu NSNN vừa qua góp phần xây dựng và triển khai được chiến lược dữ liệu của ngành Tài chính với trọng tâm hướng tới là công tác quản trị dữ liệu.

- Mô hình CSDL quốc gia về Tài chính được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Đề án xây dựng CSDL quốc gia về Tài chính và Kiến trúc CSDL quốc gia về Tài chính bao gồm một Kho dữ liệu Tổng hợp về tài chính được tập trung tại Bộ Tài chính cùng các CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính được quy hoạch, xây dựng, phát triển trong một chỉnh thể thống nhất theo các nguyên tắc chủ đạo đảm bảo tính liên kết, tích hợp, khả năng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành Tài chính; hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử ngành Tài chính, hướng tới xây dựng Tài chính số (Digital Finance) dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở; tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo trong việc chuyển đổi sang nền Tài chính số hiện đại tại Việt Nam.

Như vậy, để đáp ứng kịp thời, đầy đủ các yêu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, cần thiết phải xây dựng CSDL tổng hợp về Tài chính ở tầm quốc gia. Trong đó, dữ liệu đầu vào là CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính mà nòng cốt là dữ liệu NSNN từ Kho dữ liệu NSNN được bổ sung các thêm các nguồn dữ liệu từ CSDL chuyên ngành: Thuế, Hải quan, Kho bạc, Dự trữ nhà nước, Tài sản công, Tài chính doanh nghiệp, Giá, Chứng khoán... phản ánh hoạt động quản lý của ngành Tài chính. Dữ liệu đầu ra phải đáp ứng được yêu cầu thông tin quản lý, điều hành của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đồng thời bảo đảm khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu số; quản trị dữ liệu cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác theo quy định của pháp luật.

Nâng cấp phát triển Kho dữ liệu NSNN thành CSDL tổng hợp về tài chính trên cơ sở cơ sở mở rộng, để đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm và sử dụng tối ưu các trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật công nghệ đang sử dụng là một trong những định hướng để phát triển chiến lược dữ liệu số của ngành Tài chính.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quyết định số 2376/QĐ-BTC ngày 01/11/2016 phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính”;

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quyết định số 2575/QĐ-BTC ngày 15/12/2017 về Danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Tài chính;

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quyết định số 585/QĐ-BTC ngày 03/4/2019 ban hành Kiến trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính;

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quyết định số 1220/QĐ-BTC ngày 19/7/2019 ban hành Quy chế Quản lý, vận hành, khai thác Kho dữ liệu NSNN;

5. Joe Maguire, “Creating a Data Strategy”, Gartner (2019);

6. Christopher Long, Shaurya Rana, “Reference Architecture to Enable Self- Service Analytics”, Gartner (2022).

Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2022