Xem xét mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu

Lan Anh

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án của Chính phủ trình Quốc hội xem xét mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần.

Thống nhất phương án của Chính phủ trình Quốc hội xem xét mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần.
Thống nhất phương án của Chính phủ trình Quốc hội xem xét mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần.

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu.

Trường hợp bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Trường hợp bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ 01/01/2001 đến 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Với trường hợp người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Trường hợp bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nêu trên, người lao động có khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội liền kề với bình quân tiền lương làm căn cứ đóng của thời gian này cao hơn bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối thì người lao động được chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội liền kề tương ứng với số năm quy định tại khoản này để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Trước đó, theo hướng dẫn tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời gian tính hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động vừa có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu cụ thể như sau: Lương hưu hằng tháng = (Tỷ lệ % hưởng lương hưu) x (Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội).

Trong đó, tỷ lệ % hưởng lương hưu đối với nam đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%. Sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%.

Đối với nữ đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75%.

Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được tính theo công thức sau: Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội = [(Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) x (Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc)] + [(Tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện) / (Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc + Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện)].