Xu hướng công nghệ toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam


Đầu tư vào thị trường AI trong năm 2024 dự kiến khoảng trên 60 tỷ USD, con số này sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2030, khoảng 200 tỷ USD. Điều này cũng cho thấy tiềm năng rất lớn cho Việt Nam.

Đầu tư vào thị trường AI theo dự kiến trong năm 2024 khoảng trên 60 tỷ USD - Ảnh minh họa.
Đầu tư vào thị trường AI theo dự kiến trong năm 2024 khoảng trên 60 tỷ USD - Ảnh minh họa.

Công nghệ đã len lỏi vào tất cả các lĩnh vực kinh tế

Đánh giá về xu hướng công nghệ năm 2024, TS. Nguyễn Công Ái - Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, sự khác biệt của toàn cầu và Việt Nam về mặt công nghệ hiện nay gần như rất nhỏ. Trước đây thường có độ trễ, nhưng hiện nay Việt Nam đã theo thế giới rất nhanh, thậm chí có nhiều lĩnh vực chúng ta đã đi trước cả thế giới.

Nếu như trước đây, phải mất cả thế kỷ hoặc hơn nữa để trải qua một cuộc cách mạng công nghệ, nhưng gần đây nhất, cuộc cách mạng công nghệ chuyển đổi số vào năm 2000 thì chỉ đến năm 2020, chúng ta đã bước vào một cuộc cách mạng công nghệ mới. Như vậy, các cuộc cách mạng công nghệ đã đến nhanh hơn trước đây rất nhiều.

TS. Nguyễn Công Ái cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghệ hiện nay có một số điểm ảnh hưởng đến kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Đầu tiên là công nghệ bền vững. Nếu như trước đây khi tập trung phát triển công nghiệp sẽ phải trả giá về môi trường hay về bất ổn xã hội, nhưng hiện nay ESG đã trở thành yếu bắt buộc trong phát triển công nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, sự phát triển của AI, điện toán đám mây và điện tử đã làm thay đổi tất cả các ngành kinh tế của Việt Nam cũng như thế giới. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng hóa của các ngành công nghiệp, các ngành công nghiệp khác nhau vận hành phải phụ thuộc vào việc sử dụng công nghiệ như thế nào.

“Đầu tư vào công nghệ bền vững toàn cầu đã tăng trưởng rất nhanh. Trong năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, nhưng đầu tư vào công nghệ cũng đã lên tới 124 tỷ USD. Trong năm 2023, với khó khăn của nến kinh tế thế giới, đầu tư vào công nghệ có sụt giảm, nhưng trong nửa năm 2024, xu hướng đầu tư vào công nghệ đã có chiều hướng tăng lên”, TS. Nguyễn Công Ái chia sẻ.

Cũng theo TS. Nguyễn Công Ái, đầu tư vào thị trường AI theo dự kiến trong năm 2024 khoảng trên 60 tỷ USD, con số này sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2030, khoảng 200 tỷ USD. Đây là con số rất lớn và cũng cho thấy tiềm năng rất lớn cho Việt Nam. Ông cho biết, AI cũng đã được ứng dụng cho tất các các ngành kinh tế, thông dụng nhất là ngành marketing kỹ thuật số, đặc biệt là với ngành dịch vụ tài chính…

Đối với điện toán lượng tử, mặc dù còn mới nhưng cũng sẽ phát triển rất nhanh. Hiện nay, giá trị thị trường của điện toán lượng tử chỉ mới khoảng hơn 1 tỷ USD, nhưng đến năm 2032, dự kiến sẽ khoảng 12-13 tỷ USD. Tuy nhiên, điện toán điện tử dự kiến sẽ là một thách thức rất lớn đối với tất cả hệ thống an ninh, an toàn hiện nay. Bởi sẽ có những máy tính đạt tốc độ nhanh hơn hàng triệu, thậm chí hàng tỷ lần so với các máy tính hiện nay.

“Các siêu ứng dụng cũng đang được sử dụng khắp nơi trên thế giới và được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt trong lĩnh vực này, khu vực châu Á Thái Bình Dương đã chiếm gần một nửa thị phần của thị trường về các siêu ứng dụng. Tiềm năng của lĩnh vực này cũng vô cùng lớn”, TS. Nguyễn Công Ái đánh giá.

3 cơ hội lớn cho Việt Nam

Với những xu hướng công nghệ toàn cầu hiện nay, TS. Nguyễn Công Ái cho rằng sẽ có 3 cơ hội lớn cho Việt Nam, cụ thể: Một là, cơ hội về chuyển giao công nghệ. Sự hiện diện của AI và điện toán đám mây đã giúp Việt Nma có thể học hỏi và phát triển nhanh chóng, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy khả năng tăng trưởng các lĩnh vực công nghệ cao trong nước như chất bán dẫn.

Hai là, cơ hội dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Dưới áp lực của đại dịch năm 2020-2022 và tình hình địa chính trị phức tạp, các công ty đa quốc gia đang dần dịch chuyển cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Ba là, cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thông qua việc hợp tác với những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, Việt Nam có cơ hội đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như bán dẫn, AI, điện toán đám mây…Điều này sẽ cho phép Việt Nam thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghệ cao.

“Chỉ riêng giá trị thị trường chất bán dẫn của Việt Nam đến năm 2023 đã đạt khoảng 15 tỷ USD, dự kiến đến năm 2028 sẽ tăng lên gấp đôi, khoảng 30 tỷ USD. Việt Nam đã nằm trong bản đồ của các nhà sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn trên thế giới và hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 9 trên thế giới, với thị phần 2% chất bán dẫn trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra mục tiêu rất tham vọng là nâng tỷ lệ này lên khoảng 10% vào năm 2030. Do đó, tôi cho rằng sẽ cần rất nhiều sự hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu này”, TS. Nguyễn Công Ái chia sẻ.

Đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam, TS. Nguyễn Công Ái cho rằng, Việt Nam cần tăng tốc để khai thác triệt để tiềm năng về đổi mới sáng tạo để bắt kịp với các xu hướng công nghệ toàn cầu.

Thứ nhất, thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cần xây dựng những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn để thu hút những nhà đầu tư công nghệ lớn vào thị trường Việt Nam, trong đó, cần đẩy mạnh chính sách ưu đãi thuế TNCN cho chuyên gia, nhân lực làm việc trong mảng công nghệ. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sự hợp tác giữa những nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước để đẩy mạnh việc chuyển giao kiến thức và công nghệ, phát triển lĩnh vực công nghệ trong nước.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, trong đó chú ý phát triển chuyên ngành CNTT tại các trường đại học công lập và tư nhân. Xây dựng chính sách phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài từ nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, nhất là Việt kiều. Tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước.

Thứ ba, phát triển những công ty công nghệ hàng đầu thế giới sở hữu bởi người Việt Nam. Việt Nam cần đưa ra những chính sách mạnh mẽ để phát triển những công ty công nghệ trong nước trở thành những công ty hàng đầu thế giới. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các ngành công nghệ. Xây dựng các tiêu chí rõ ràng về doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp số theo chuẩn quốc tế để giúp Việt Nam theo kịp các xu hướng công nghệ toàn cầu.

Theo Đình Đại/Diendandoanhnghiep.vn