Xử lý nợ xấu: Bận lòng trước, thảnh thơi sau
Nợ xấu đã cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn vấn đề làm bận lòng các ngân hàng và nhà đầu tư, đó là còn nhiều khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa thanh lý được.
Theo đánh giá của chuyên gia, trong quý II, lợi nhuận của một số nhà băng sẽ tăng mạnh, trong đó có đóng góp không nhỏ từ thu hồi nợ để hoàn nhập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận.
Tranh thủ bất động sản (BĐS) đang tăng giá, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã liên tục rao bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là đất đai, nhà cửa. Nhiều nhà băng đã thanh lý thành công nợ xấu và thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Cơ hội bán tài sản đảm bảo
Điểm sáng trong xử lý nợ xấu phải kể đến Sacombank. Từ đầu năm đến nay, nhà băng này liên tục giảm giá bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu.
Đáng chú ý, Sacombank vừa thanh lý toàn bộ 2.455 quyền sử dụng đất với tổng diện tích 602.225 m2 thuộc Dự án Khu dân cư phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ). Mặc dù chưa cho biết giá bán và thông tin bên nhận chuyển nhượng, nhưng Sacombank trước đó rao bán dự án này với giá hơn 3.400 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Mới đây, Sacombank đã tiếp tục thông báo đấu giá thêm 3 khối tài sản với giá trị xấp xỉ 1.000 tỷ đồng ở Tp.HCM và Bình Dương.
Cụ thể, nhà băng này đang chào bán BĐS gồm 3 khu đất và công trình xây dựng tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM với tổng diện tích 76.246 m2, giá khởi điểm 1.330 tỷ đồng.
Một khối BĐS khác là quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích 20.803,2 m2 tại phường 6, quận 8, Tp.HCM thuộc dự án khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất thửa đất cách đó khoảng 300m cũng ở phường 6, quận 8 với diện tích 12.669 m2. Khối tài sản này đang được chào bán với giá khởi điểm 928 tỷ đồng.
Sacombank cũng thông báo đấu giá một khối BĐS thuộc dự án khu dân cư Ngãi Thắng (Bình Dương), bao gồm 15 quyền sử dụng đất, với tổng diện tích 29.654,8 m2, giá khởi điểm 897 tỷ đồng.
Không chỉ có Sacombank, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng tích cực bán đấu giá tài sản bảo đảm là những lô đất "vàng", siêu xe, căn hộ cao cấp… để thu hồi nợ, nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ xấu.
Chẳng hạn như, Agribank rao bán 2 tài sản thế chấp là 2 lô nhà đất ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1 với giá 69 tỷ đồng; 18 quyền sử dụng đất ở tại Tp. Vũng Tàu.
VPBank rao bán hàng loạt xe sang, căn hộ cao cấp là tài sản thế chấp của các khách hàng nhằm thu hồi nợ, như bán ô tô Audi A6 giá khởi điểm 1,15 tỷ đồng cùng nhiều xe con, xe tải, xe khách các loại. Hàng loạt căn hộ cao cấp giá từ 2,3 tỷ đồng đến 4,8 tỷ đồng cũng được ngân hàng này đem bán thanh lý để thu hồi nợ…
Tăng lợi nhuận nhờ bán nợ xấu
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, nguồn trích lập dự phòng chính là một trong những chi phí lớn nhất ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tổ chức tín dụng.
Như vậy, có thể hiểu những nhà băng đã phân loại một cách "thẳng tay" và chấp nhận hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng mấy năm qua, bên cạnh việc kiểm soát chặt chất lượng nợ mới phát sinh sẽ hưởng thụ thành quả khi các khoản nợ cũ thu hồi được bao nhiêu sẽ đổ về lợi nhuận bấy nhiêu, xấu nhất là không thu hồi được thì cũng không ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Trong khi đó, với những ngân hàng còn hạn chế trích lập dự phòng, thì nợ xấu dù có bán được cũng không làm tăng lợi nhuận. Thậm chí, nếu nợ xấu không xử lý được sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận do bắt buộc phải trích lập dự phòng.
Đặc biệt còn khiến cho nợ xấu ngày càng phình to do các khoản nợ đã bán cho VAMC, sau thời gian "gửi" VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt giai đoạn 2014 – 2015 thì đến nay lại quay vòng trở về ngân hàng. Nguyên nhân là thời hạn của số trái phiếu này chỉ đến 5 năm (ngoại trừ các trường hợp đang tái cơ cấu được kỳ hạn 10 năm).
Có thể gọi tên một số ngân hàng thảnh thơi trước nợ xấu như Vietcombank, MB, VIB, Techcombank… do đã dùng lợi nhuận để mua lại hết các khoản nợ bán cho VAMC và chỉ còn chờ thanh lý các khoản nợ này để thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận.
Năm 2018, Viet com bank , Techcombank, HDBank và TPBank cùng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hơn 60%. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank, ngân hàng đã trích lập dự phòng với tỷ lệ bao nợ xấu rất lớn, ở mức 170%, vậy nên ngân hàng bây giờ muốn nợ xấu thấp ở mức bao nhiêu cũng được.
Còn lãnh đạo ACB và HDBank cùng chung ý kiến: việc thẳng thắn nhìn nhận và cắt gọt nợ xấu các năm trước giúp các nhà băng không còn phải áy náy với dự phòng các khoản nợ cũ, giờ đây chỉ cần kiểm soát nợ mới tốt, nên làm được bao nhiêu là có thể hưởng thành quả gần như bấy nhiêu.