Xử lý rác thải sinh hoạt: Kinh nghiệm một số nước và khuyến nghị đối với Việt Nam
Hiện nay, các nước trên thế giới rất chú trọng việc xử lý rác thải trong đời sống sinh hoạt và hoạt động công nghiệp. Nhiều quốc gia châu Âu và châu Á sử dụng công nghệ và quy trình tiên tiến để xử lý rác thải, thậm chí biến rác thải thành năng lượng.
Xử lý rác thải sinh hoạt tại một số quốc gia
Tại Nhật Bản, công tác xử lý rác thải sinh hoạt được quản lý theo cấp độ địa phương. Mỗi địa phương có cách phân loại rác khác nhau nhưng về cơ bản rác thải sinh hoạt được chia thành 4 loại chính: rác đốt được, rác không đốt được, rác nguyên liệu và rác thải cỡ lớn.
Rác thải sinh hoạt loại đốt được (thức ăn, giấy…) thì cho vào loại túi riêng. Rác sẽ được thu 2 ngày/tuần. Rác thải nhựa như chai nhựa, vỏ nhựa (bột giặt, dầu ăn…) thu vào 1 ngày và cho vào một loại túi riêng. Cá biệt ở Kyoto có 1 ngày chỉ thu các loại rác như bìa cứng, vỏ hộp giấy. Rác thải loại to (xe đạp, tủ lạnh, máy giặt…) nếu người dân muốn vứt thì phải bỏ tiền thuê công ty đến xử lý chứ ko được tự ý vứt.
Tại Thụy Điển, mỗi hộ gia đình sẽ có đến 7 loại thùng rác trong nhà để phân loại rác từ nguồn. Ngoài từ ý thức bảo vệ môi trường hợp của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm sáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này. Tại Malmo - thành phố lớn thứ 3 Thụy Điển, đến 60% lượng điện tiêu thụ và nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi tại đây lại đang được cung từ một nhà máy tái chế rác thải.
Tại Đức, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiến tới xóa bỏ tất cả các bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời lên kế hoạch tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng. Theo ước tính, việc tái chế rác và biến tác thành năng lượng sẽ giúp Đức tiết kiệm 3,7 tỷ euro mỗi năm. Các hệ thống xử lý rác thải đã giúp tiết kiệm 20% chi phí nhập khẩu kim loại và 3% chi phí nhập khẩu năng lượng.
Thực trạng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam
Hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam mỗi ngày lên tới khoảng 50.000 tấn, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn. Riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra khoảng 7.000-8.000 tấn, trong đó trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp.
Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, trên cả nước hiện còn tồn tại khoảng 900 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh mà đa phần tập trung ở khu vực nông thôn. Việc kiểm soát, quản lý loại chất thải theo cách truyền thống còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
Trong năm 2022, hơn 1.717 tấn rác tài nguyên được thu gom, tái chế, thu được tổng số tiền trên 4 tỷ đồng; khoảng 330.922 kg rác nguy hại được thu gom sau phân loại, trong đó chủ yếu là pin, bóng đèn; khoảng 5.082 tấn chất thải rắn xây dựng và rác cồng kềnh, kích thước lớn được thu gom.
Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt này vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (khoảng 71%). Trong khi việc đầu tư phát triển hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (trong đó vốn vay ODA là chính), nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó, việc quản lý số liệu, dữ liệu các nguồn thải chủ yếu trên sổ sách giấy tờ, dẫn đến việc các danh sách, số liệu đó có thể bị mất và khó có khả năng khôi phục lại dữ liệu.
Điều đáng mừng là hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ xử lý chất thải công nghiệp phát điện có khả năng xử lý triệt để các loại chất thải rắn như cao su, da, nhựa, vải, bã giấy, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt đã phân hủy và cả những chất thải công nghiệp đòi hỏi nhiệt trị cao, kích thước lớn.
Nhờ đó, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ nguồn nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần giải quyết bài toán năng lượng, giảm đáng kể diện tích đất sử dụng cho mục đích chôn lấp rác và mở ra thêm một hướng đi mới giải quyết triệt để bài toán xử lý rác thải cũng như tận dùng tài nguyên rác.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia hiện nay và thực trạng rác thải và công tác xử lý rác thải, trong đó có rác thải sinh hoạt, trong thời gian tới, Nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia xử lý chất thải rắn. Theo đó, cần bổ sung các quy định, chính sách khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác tạo ra một chu trình toàn diện trong chuỗi kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra các chính sách và giải pháp phù hợp như đầu tư vào hạ tầng và trang thiết bị, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, cũng như thiết lập các tiêu chuẩn môi trường và an toàn để quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong xử lý rác thải. Chẳng hạn, việc áp dụng phần mềm quản lý rác thải và số hóa dữ liệu sẽ giúp cán bộ địa phương quản lý địa bàn hiệu quả, dễ dàng hơn. Việc sử dụng phần mềm cũng sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã đi thu gom tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Các chuyên gia đều cho rằng, việc chuyển đổi số trong thu gom rác thải là xu hướng tất yếu để tiết kiệm nhân lực, chi phí cũng như giảm tác hại đến sức khỏe con người.