Xu thế phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0
Trong bối cảnh toàn cầu hoá sâu rộng, kinh tế tri thức đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Đối với Việt Nam, kinh tế tri thức mở ra cơ hội lớn trong tiến trình thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển lực lượng sản xuất đi lên chủ nghĩa xã hội. Nếu Việt Nam biết tận dụng cơ hội này, bắt kịp thời cơ thì có thể rút ngắn được khoảng cách tụt hậu với các quốc gia phát triển trên thế giới. Việc nghiên cứu khái niệm, đặc trưng và các yếu tố cốt lõi phát triển kinh tế thi trức, đồng thời tìm hiểu về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với Việt Nam trước xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là hết sức cần thiết, từ đó đề xuất những phương hướng và khuyến nghị thiết thực nhằm thúc đẩy nền kinh tế tri thức phát triển trong bối cảnh mới.
Khái quát về kinh tế tri thức
Đầu những năm 1960, thuật ngữ “kinh tế tri thức” lần đầu tiên được đưa ra bởi Fritz Machlup và Peter Drucker. Đến nay, kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển, như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Singapore…
Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa về “kinh tế tri thức”. Điển hình là định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD (1995): “Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Theo định nghĩa của Bộ Công nghiệp và Thương mại Anh (1998): "Nền kinh tế dẫn dắt bởi tri thức là nền kinh tế trong đó sản sinh ra và khai thác tri thức giữ vai trò nổi bật nhất trong việc tạo ra của cải". Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC (2000) lại nhấn mạnh: "Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế".
Tại Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế tri thức” xuất hiện đầu tiên trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001). Đến Đại hội lần thứ XI (2011), Đảng tiếp tục khẳng định “… Công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức". Gần đây, các khái niệm “chuyển đổi số”, “phát triển kinh tế” tiếp tục được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2021). Có thể nói, kinh tế tri thức đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) một nền kinh tế tri thức cần dựa trên 4 trụ cột hay được coi là 4 yếu tố cốt lõi như Hình 1.
Dựa trên 4 yếu tố cốt lõi này WB đã đưa ra hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của nền kinh tế tri thức bao gồm: Chỉ số kinh tế tri thức (KEI), chỉ số kiến thức am hiểu (KI), Chỉ số Thể chế ưu đãi kinh tế (EI), Chỉ số Sáng tạo (II), Chỉ số Giáo dục (EI), Chỉ số Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Đến năm 2017, Chỉ số tri thức toàn cầu (GKI) đã xuất hiện như một sự thay thế cho Chỉ số kinh tế tri thức của WB năm 2012. Theo đó, GKI bổ sung 7 chỉ số khác, đó là: Chỉ số KEI, Chỉ số giáo dục trước đại học, chỉ số giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, Chỉ số giáo dục đại học, chỉ số nghiên cứu, phát triển và đổi mới, Chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông và môi trường kinh tế. Trong khi chỉ số của WB chủ yếu tập trung vào các thành phần liên quan trực tiếp đến sự hình thành nền kinh tế tri thức, thì GKI vượt ra ngoài khía cạnh kinh tế và bao gồm các yếu tố giáo dục, kinh tế, đổi mới và môi trường thuận lợi.
Thực trạng phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) tới nay, trải qua hơn 35 năm với các chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và cũng là điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức. Cụ thể:
- Về môi trường kinh tế và thể chế xã hội: Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020-2021, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn đạt dương và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới. Gần đây, Đại hội lần thứ XIII (2021), Đảng ta tiếp tục đưa ra định hướng phát triển tới năm 2030: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Điều đó cho thấy môi trường kinh tế và thể chế xã hội hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển kinh tế tri thức.
- Về giáo dục: Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Ngoài ra, theo xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds, năm 2022, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng (Trường Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng).
- Về sáng tạo: Năm 2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu.
- Về công nghệ thông tin: Năm 2000, đóng góp của ngành Công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông khoảng 0,5% GDP của Việt Nam, với doanh thu 300 triệu USD và số lao động chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số lao động của Việt Nam. Sau 20 năm, Ngành này đã có bước phát triển nhảy vọt, trong đó, riêng năm 2021, doanh thu của Ngành tăng trưởng 9% so với năm 2020.
Theo đánh giá của WB về chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam năm 2012, Việt Nam đứng thứ 104/145 quốc gia. Gần đây, năm 2021, Việt Nam được xếp hạng 64/137 quốc gia. Trong khi các chỉ số đánh giá kinh tế tri thức của Việt Nam vào năm 2012 còn khá khiêm tốn thì sau một thập kỷ, các chỉ số của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực có sự tăng trưởng khả quan. Dựa trên số liệu năm 2021, Việt Nam đang đứng thứ 3 về phát triển kinh tế tri thức trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, chỉ số về nghiên cứu, phát triển và sáng tạo (Research, Development, Innovation Index) của Việt Nam còn thấp khi chỉ được đánh giá 28.2/100 điểm. Bên cạnh đó, các chỉ số về Giáo dục đại học và công nghệ thông tin - truyền thông lần lượt là 35.8/100 điểm và 40.9/100 điểm. Đây là những con số còn khá khiêm tốn. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa ổn định, bền vững. Nền kinh tế cơ bản còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông.
Hoạt động chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu dựa trên khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm. Trong khi đó, Việt Nam đang có lợi thế về nguồn lực lao động dồi dào nhưng chất lượng nguồn lao động lại chưa cao. Do đó, nguồn nhân lực cho kinh tế tri thức vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo dự báo, năm 2022 Việt Nam sẽ thiếu 100.000 nhân lực vì khi đó nhu cầu về lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tăng lên 530.000 người. Về chất lượng nguồn nhân lực, so với các quốc gia trong khu vực, từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh CMCN 4.0.
Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0
Hướng tới phát triển kinh tế tri thức trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi. Theo đó, ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trở thành xu thế chung của tất cả các quốc gia. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tham gia, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, toàn cầu và khu vực. Trong công cuộc hội nhập quốc tế, nước ta sở hữu nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển kinh tế thông qua các nguồn vốn nước ngoài, tiếp cận thành nhiều tựu khoa học vĩ đại, trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong những năm gần đây, thế giới đang tiến vào cuộc CMCN 4.0. Những thành tựu của CMCN 4.0 sẽ mang tới những thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình tiếp cận với những tiến bộ của giáo dục quốc tế và phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Tính đến năm 2021, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng Internet là 70,3% (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN). Nhân khẩu học thanh niên của Việt Nam là một yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy sự chấp nhận công nghệ trên toàn quốc lớn hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Năm 2021, Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ thuật số của PwC Việt Nam cho thấy 42% người Việt Nam được hỏi bày tỏ sự hào hứng về việc đưa công nghệ vào công việc, so với mức trung bình toàn cầu là 16%. Đây là một thời cơ giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Trong bối cảnh chung, phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0 đang là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, thực tế phát triển cho thấy, kinh tế tri thức trong xu thế CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức.
Theo đó, sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ sẽ tạo ra sức ép lớn cho người lao động, đòi hỏi người lao động phải không ngừng học tập, tìm tòi sáng tạo. Một mặt, nó tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy người lao động nâng cao kiến thức, kỹ năng. Mặt khác, nó đem tới nguy cơ biến người lao động trở thành những “cỗ máy”, phải chịu áp lực của sự “lão hoá” tri thức. Thêm vào đó, kinh tế tri thức vận dụng một cách tối ưu thành tựu khoa học - công nghệ, như: tự động hóa, số hóa, rô bốt hóa, vì vậy con người ít sử dụng lao động cơ bắp, mà tiếp xúc nhiều với các thiệt bị điện tử, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, việc công nghệ thay đổi liên tục còn dẫn đến sự lãng phí tài nguyên khi chưa tận dụng hết giá trị sử dụng của sản phẩm và khó nắm bắt hơn về khoa học kĩ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về kinh tế tri thức còn hạn chế, kỹ năng sử dụng Internet an toàn thấp và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.
Từ những phân tích về điều kiện bên trong và điều kiện bên ngoài, áp dụng ma trận SWOT để xác định phương hướng thích hợp cho phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trước xu thế CMCN 4.0.
Tại vị trí S-O (phát huy điểm mạnh để tận dụng cơ hội).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cùng với lợi thế về môi trường kinh tế, thể chế xã hội và nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng các ngành công nghệ cao. Theo đó, cần đẩy mạnh xây dựng các trung tâm nghiên cứu về công nghệ cao; Phát triển công nghệ phần mềm thành ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho các công ty trong và ngoài nước, sớm thay thế các phần mềm nhập khẩu; tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin đặc biệt là phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, đa phương tiện tới tất cả tỉnh, thành trong cả nước, nhằm thúc đẩy, đặt nền móng cho phát triển thương mại điện tử, chính phủ điện tử, giáo dục điện tử, y tế điện tử...
Tại vị trí W-O (tận dụng cơ hội, khắc phục điểm yếu)
Thực trạng trình độ khoa học kỹ thuật còn chậm và lạc hậu, nguyên nhân chính là do nguồn vốn đầu tư còn mỏng. Đây là bài toán khó cần phải khắc phục để thích ứng với yêu cầu của thời kỳ mới. Do vậy, Chính phủ cần huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cụ thể: Tạo cơ chế, môi trường thuận lợi cho hoạt động huy động các nguồn lực xã hội; tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học – công nghệ, tài chính mạnh đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển...
Tại vị trí S-T (phát huy điểm mạnh, vượt qua thách thức).
Trước những thách thức của nguy cơ văn hoá bị lai căng, mai một, toàn xã hội (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân) đều cần nâng cao nhận thức về hai mặt của kinh tế tri thức. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh...
Tại vị trí W-T (khắc phục điểm yếu, hạn chế rủi ro)
Đây là điểm cần giải quyết nhất trong ma trận SWOT, phản ảnh thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế tri thức. Trong tiến trình đó, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất. Cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay càng trở nên cấp thiết. Theo đó, cần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục; chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng trong các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng kho học liệu mở phục vụ tự học và học tập suốt đời trên hệ sinh thái truyền hình giáo dục Việt Nam...
Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển bùng nổ, kinh tế tri thức ngày càng lan rộng, phát triển kinh tế tri thức là xu thế tất yếu của các quốc gia trên toàn thế giới. Để phát triển nền kinh tế tri thức tiến bộ thích ứng với cuộc CMCN 4.0 cần phải xác định rõ tiềm lực của Việt Nam, những thời cơ và thách thức. Dựa trên những điều kiện bên trong và bên ngoài, chúng ta sẽ vạch ra được phương hướng cụ thể để phát triển nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam bắt kịp với sự phát triển của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Tài liệu tham khảo
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-3663;
- Đặng Thị Việt Đức & Nguyễn Thanh Tuyên (2011), Vai trò của CNTT và truyền thông trong nền kinh tế tri thức và trường hợp của Việt Nam, Tạp chí CNTT&TT (Kỳ 2, tháng 2/2011);
- Hoàng Bích Thuỷ (2022), Một số thách thức trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (số 1 năm 2022);
- Nguyễn Thị Ngọc Hương (2013), Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh (số 8 (3) 2013);
- Global Knowledge Index, https://knoema.com/infographics/aomssce/global-knowledge-index?Region=Cambodia&indicator=Global%20Knowledge%20Index;
- Organization for Economy Cooperation and Development (2001), The new economy: Beyond the hype, Final report on the OECD Growth Project, 2001;
- World Bank, 1999, Knowledge for development, World Development Report.
* Hoàng Thế Quang, Lê Thị Minh Thu, Phạm Hồng Minh, ThS. Nguyễn Thị Phương Dung - Giảng viên Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2022