Xuất khẩu cà phê: Thay đổi để vượt qua thách thức
(Tài chính) Ngành cà phê Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê. Theo đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, sẽ có khoảng 80% sản lượng cà phê xuất khẩu trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, các nhà rang xay nước ngoài, không qua khâu trung gian. Đây là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam.
Đối mặt với thách thức
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, niên vụ năm 2013 - 2014 tổng sản lượng các loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giá trị kim ngạch trên 3,4 tỷ USD (tăng 17% về lượng và 12,5% về giá trị so với niên vụ trước).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 12/2014 ước đạt 168.000 tấn, trị giá 338 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê năm 2014 lên 1,73 triệu tấn và giá trị đạt 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về lượng và 32,2% về giá trị so với năm 2013. Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các thị trường nhập khẩu cà phê chủ yếu của Việt Nam bao gồm: EU đạt 685 nghìn tấn, giá trị hơn 1,39 tỷ USD, tăng 38% về lượng và 38,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 42,5% lượng cà phê xuất khẩu của cả nước; thị trường Hoa Kỳ đạt gần 154 nghìn tấn, giá trị 335 nghìn USD, tăng 22% về lượng và 23,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cà phê của cả nước.
Tuy nhiên, Đức và Hoa Kỳ là hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 10,2%, tiếp theo là thị trường Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản… đây là thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn của Việt Nam. Đặc biệt, theo các doanh nghiệp, xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc tăng trong những năm gần đây và là thị trường rất có lợi thế vì đường vận chuyển ngắn.
Tổ chức Cà phê Thế giới dự báo, tiêu thụ cà phê thế giới năm 2015 là 147,2 triệu bao. Niên vụ tới nguồn cung cà phê sẽ thiếu hụt 5 - 11 triệu bao, nguyên nhân là do giảm sản lượng ở các quốc gia sản xuất cà phê lớn và nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới tăng.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, diện tích cà phê Việt Nam duy trì ở mức 626.000 ha, sản lượng đạt 1,3 triệu tấn. Giá cà phê niên vụ 2014 - 2015 tăng trái quy luật là vào vụ mới giá thường giảm. Tuy nhiên, sẽ giảm vào nửa năm 2015.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, ngành cà phê chế biến sẽ đối mặt với một số thách thức. Năm 2015, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường với các nước ASEAN. Theo đó, các quốc gia sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường cà phê chế biến của Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, 6 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán (TPP, FTA với EU, Nga…); thị trường tiếp tục mở cửa rộng rãi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, thuế nhập khẩu đối với loại cà phê chế biến tại các thị trường EU và một số nước khác rất cao (tại Đức thuế đối với cà phê chế biến lên đến 2 euro/1kg).
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê nhân. Trong tổng số 30 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam có kim ngạch lớn thì có đến 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số liệu tổng hợp cho thấy, trong niên vụ 2013 - 2014, Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex vẫn là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất Việt Nam, Tổng công ty Tín Nghĩa ở vị trí thứ hai và Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodites, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, xếp vị trí thứ ba.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân đang vướng thế “gọng kìm” trước sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp FDI và trong nỗ lực chen chân để trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các nhà rang xay nước ngoài. Ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho biết, những nhà xuất khẩu lớn đang rất cần trái cà phê chất lượng tốt để bán với giá cao, chứ không kỳ vọng bán trực tiếp cho các nhà rang xay nước ngoài. Ông Hùng nhận định, có một số khó khăn, vướng mắc trong khâu bán hàng trực tiếp như: (i) Có những hợp đồng thanh toán trong vòng 240 ngày kể từ ngày thương lượng. Như vậy, doanh nghiệp bỏ ra một đồng vốn thì gần một năm sau mới thu hồi được; (ii) Doanh nghiệp muốn giao hàng tháng 1/2015 thì tháng 11/2014 phải có hàng mẫu để gửi đi, khách hàng chấp nhận được mới làm hàng. Do đó, rất khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện bán trực tiếp cà phê rang xay; (iii) Ngoài ra, còn một khó khăn khác là các nhà rang xay nước ngoài chưa chắc mua tất cả cà phê từ một đầu mối của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thông qua các công ty trung gian để đảm bảo nguồn nguyên liệu được cung cấp kịp thời, cho nên không thể bỏ khâu bán trung gian để thay bằng bán trực tiếp.
Thay đổi để vượt qua thách thức
Theo ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, vụ mùa cà phê năm 2013 - 2014, Việt Nam đã có một kết quả khá tốt với mức giá ổn định, doanh thu ngành cà phê khá cao. Tuy nhiên, việc kinh doanh cà phê hiện nay khá khó khăn. Ông Thông nhận định, muốn phát triển, chúng ta phải thay đổi rất nhiều về hình thức kinh doanh. Theo đó, các công ty cà phê xuất khẩu cần chủ động tham gia các hội chợ triển lãm trên thế giới để tham khảo cà phê thế giới được bán như thế nào? Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê nhưng chưa phân biệt được cà phê tốt hay cà phê chưa tốt. Vì vậy, rất khó có thể bán được giá cao.
Theo một số chuyên gia trong ngành cà phê, niên vụ 2013 – 2014, cà phê trong nước những đợt rớt giá thảm hại, có lúc giá chỉ còn 30.700 đồng/kg. Tuy nhiên, đến những tháng cuối năm giá cà phê đã tăng trở lại và dự báo sẽ ổn định trong năm 2015 khi nguồn cung từ thị trường cà phê lớn nhất Brazil có sự giảm sút. Dự báo giá cà phê sẽ ở mức trên 40.000 đồng/kg, giá xuất khẩu sẽ trên 2.000 USD/tấn.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu, chất lượng cà phê là đề tài gây tranh cãi hàng chục năm nay. Chất lượng được quy định đơn giản (chủ yếu dựa vào hạt đen, vỡ, kích cỡ hạt) nên không phản ánh đúng giá trị đích thực của nó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng giảm sút như dinh dưỡng vườn cây, tuổi đời, dịch bệnh, cơ cấu giống, quá trình thu hái, bảo quản, chế biến. Các công ty xuất khẩu chưa có định hướng mở rộng chế biến thu gom quả tươi để chế biến cà phê nhân ngay từ khi người dân thu hái. Trong các niên vụ trước tập trung chủ yếu là các chủng loại cà phê có quy cách và chất lượng đơn giản chưa mang lại giá trị cao. Nhưng 3 năm gần đây, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư nhà máy, hệ thống chế biến hiện đại, kết hợp với đầu tư tái canh của người nông dân và doanh nghiệp nên chất lượng cà phê Việt Nam trong những niên vụ gần đây có những chuyển biến rõ nét.
Ông Toàn cho biết, các công ty nước ngoài thu mua cà phê Việt Nam ngày càng có những quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn và chất lượng, quan tâm nhiều hơn đến cà phê chế biến ướt, đánh bóng, không đen. Mặt khác, các nhà rang xay có xu hướng quan tâm hơn đến chỉ dẫn địa lý và cà phê có xuất xứ mang thương hiệu “Cà phê Ban Mê Thuột”. Do đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần quan tâm và định hướng chất lượng xuất khẩu phù hợp với xu hướng thị trường thế giới. Khách hàng yêu cầu một số nội dung như an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên, trình độ sản xuất của nông dân.
Cũng theo ông Toàn, cần khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia liên kết hoặc hỗ trợ tài chính đến nông dân trong tái canh, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp khắc phục như xây dựng chiến lược phát triển cho ngành cà phê, tiếp tục hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu.