Xuất nhập khẩu Việt Nam chinh phục đỉnh cao mới


Năm 2021, mặc dù bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhưng xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 19%. Kết quả này đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Triển vọng xuất khẩu năm 2022 có phát huy được những kết quảđạt được vàtiếp tục chinh phục đỉnh cao mới là vấn đề được phân tích trong bài viết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2021

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 668 tỷ USD

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) Việt Nam vẫn đạt trên 668 tỷ USD, vượt kỷ lục của năm 2020. Trong đó:

- Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.

Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%). Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2020; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm 2020.

Xuất nhập khẩu Việt Nam chinh phục đỉnh cao mới  - Ảnh 1

Một số mặt hàng chủ lực năm 2021 thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,3%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 93%; dệt may chiếm 61,7%; giầy dép các loại chiếm 79,3%.

- Về nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, năm 2021 ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%. Có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2020, trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụphụtùng chiếm 46,6%, giảm 2,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,9%, tăng 2,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

- Về thị trường XNK hàng hóa: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.

Năm 2021, xuất siêu sang Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2020; nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD, tăng 53%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 127,9%.

Xuất nhập khẩu Việt Nam chinh phục đỉnh cao mới  - Ảnh 2

- Cán cân thương mại: Năm 2021, ước tính xuất siêu 4 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD.

Nhìn chung, việc duy trì được đà phát triển thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong nền kinh tế và thương mại thế giới, củng cố vai trò đối tác thương mại quan trọng và đóng góp vào phát triển thương mại thế giới.

Việt Nam đã ngày càng khai thác, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để phát triển thị trường XNK hàng hóa, phát triển ngoại thương trong bối cảnh khó khăn, thách thức bởi đại dịch COVID-19.

Đối với Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), sau gần 1,5 năm thực thi đã đem lại những kết quả khả quan, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại cả châu Âu và Việt Nam.

Trong năm 2021, thương mại hai chiều đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2% còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020…

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.

Tương tự, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) thực thi kể từ đầu năm 2021 đã giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU.

Năm 2021, thương mại 2 chiều đạt gần 6,6 tỷ USD và giá trị XNK đều tăng 2 chữ số (xuất khẩu hàng hóa sang Anh tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 24,1%).

Phát triển thị trường XNK hàng hóa năm 2021 cũng góp phần quan trọng vào định hướng sản xuất và tác động lớn tới xu hướng thay đổi tích cực của cơ cấu hàng hóa XNK, giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XNK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Kết quả trên cho thấy, cơ cấu thị trường và cơ cấu mặt hàng XNK đã chuyển biến mạnh mẽ và tích cực, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 86% giá trị xuất khẩu của cả nước và giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu khoáng sản thô và tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến.

Nhóm công nghệ chế biến này cũng tăng 18% và là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua. Thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và tận dụng hiệu quả thị trường các FTA.

Thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa, đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước vàxuất khẩu, góp phần tạo sự cân bằng và tự chủ tốt hơn cho hoạt động XNK, cũng như cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chuỗi sản xuất và cung ứng bị đứt gãy do tác động bởi đại dịch COVID-19.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, XNK Việt Nam hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Một là, chất lượng và hiệu quả phát triển thị trường XNK hàng hóa vẫn còn thấp và ít được cải thiện. Việt Nam còn lúng túng, bị động trong ứng phó với những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế và mức độ phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường XNK cũng khiến cho tăng trưởng XNK của Việt Nam chưa như kỳ vọng.

Hai là, trong năm 2021, chuyển dịch cơ cấu thị trường XNK mặc dù khá tích cực nhưng diễn biến còn chậm, thiếu đột phá, hoạt động XNK tập trung và phụ thuộc vào một số thị trường chủ yếu, việc đa dạng hóa và phát triển thị trường mới còn hạn chế.

Ba là, hoạt động XNK chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI, nghĩa là Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, trong khi phát triển thị trường XNK của doanh nghiệp nội địa còn hạn chế.

Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn hạn chế.

Bốn là, trong năm 2021, phát triển thị trường XNK hàng hóa cũng chưa có bước đột phá và phát huy được vai trò kết nối thị trường trong và ngoài nước.

Năm là, mặc dù các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội XNK từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, mức độ khai thác cơ hội cho phát triển XNK, chuyển dịch cơ cấu thị trường và mặt hàng XNK của Việt Nam đạt hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do những hạn chế sau:

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát và còn diễn biến phức tạp, khó lường. Thực hiện phương châm “Zezo COVID-19”, xác định tính mạng của nhân dân là trên hết, nên các đợt giãn cách xã hội kéo dài trong năm qua đã gây ra sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa và lao động.

Thứ hai, các chi phí, đặc biệt là những chi phí về vận chuyển bằng đường biển, chi phí về nguyên liệu gia tăng, đã tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ siết chặt các quy định về kiểm tra, nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm kể từ ngày 1/1/2022.

Thứ tư, nông nghiệp và thủy sản luôn là bệ đỡ trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng gặp không ít thách thức. Giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Thứ năm, các doanh nghiệp chưa quan tâm, chú trọng đến công tác phòng ngừa rủi ro để kịp thời có giải pháp khắc phục.

Thứ sáu, các thị trường nhập khẩu ngày càng gia tăng sử dụng các công cụ về phòng vệ thương mại, gây ra những khó khăn nhất định, trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa có những sự chuẩn bị để ứng phó.

Dự báo và khuyến nghị giải pháp đẩy mạnh xuất, nhập khẩu hàng hóa trong năm 2022

Dự báo bối cảnh  triển vọng

Về bối cảnh:

- Với những điểm sáng về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong năm 2021 cho thấy, nền kinh tế trong nước và thế giới đang từng bước phục hồi. Tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%, đây là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao trong năm 2022 và thời gian tiếp theo.

Dự báo, với tình hình phục hồi hiện nay, thì GDP quý I/2022 có thể tăng trưởng khoảng 6%, còn cả năm 2022 có thể đạt hơn 8% nhờ một số ngành sẽ phục hồi mạnh mẽ, nhất là du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn...

- Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Năm 2021, vốn FDI là hơn 31 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam, tăng 9,2% so với năm 2020. Con số này tuy chưa thể so với mức trên 38 tỷ USD mà Việt Nam đạt được trong năm 2019, song trong bối cảnh COVID-19, đây vẫn là kết quả tích cực, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

- Năm 2022, Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ đi vào cuộc sống, tiếp tục cởi trói, tạo lòng tin dài hạn để doanh nghiệp yên tâm xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong dài hạn.

- Mặc dù, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 ở mức thấp so với mục tiêu 4%, tuy nhiên, áp lực lạm phát của năm 2022 đối với kinh tế nước ta đang hiện hữu. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước.

Giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng cũng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài, đây là những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối diện trong năm 2022.

- Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu tăng từ khi có EVFTA nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết những cơ hội lớn tại thị trường tiềm năng này và vẫn đang tiếp tục mở ra cơ hội cho thúc đẩy XNK của doanh nghiệp trong năm 2022.

Triển vọng phát triển XNK:

- Thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa; có xu hướng chuyển dịch thị trường hàng hóa theo chiều sâu dưới tác động của việc thực hiện các FTA thế hệ mới.

- Việc thực hiện các cam kết FTA sẽ giúp phát triển thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam trở nên đa dạng, cân bằng vàđạt hiệu quả tốt hơn.

- Việt Nam sẽ tăng cường ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng thương mại điện tử trong phát triển thị trường XNK, qua đó cải thiện và phát triển thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới.

Khuyến nghị giải pháp

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, Việt Nam cần tập trung những giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm hoàn thành tiêm vắc xin cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm quay lại sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Ngoài ra, nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI; khai thác thế mạnh các hiệp định thương mại đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI.

Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ động trong quản trị rủi ro và sẵn sàng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại khi tham gia sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…

Thứ tư, tăng cường vai trò của công tác xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin thương mại thông qua các công cụ và các nền tảng trực tuyến. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì quan hệ giao thương với các nước.

Thứ năm, đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý khi phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động...

Thứ sáu, tăng cường năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế. Đồng thời, tăng cường các công cụ và biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như các công cụ về thuế quan, phi thuế quan; các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; các công cụ và công cụ được phép khác để kiểm soát nhập khẩu.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công Thương (2020), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2019, NXB Công Thương, Hà Nội;

2. Bộ Công Thương (2021), Tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương, Báo cáo tổng kết tháng 12/2020;

3. Các website: moi.gov.vn, gso.gov.vn…

* Theo TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+ kỳ 2 tháng 2/2022.