Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán:

Yếu tố dẫn dắt phát triển thị trường chứng khoán

Theo daibieunhandan.vn

25 năm qua, song song với chuyển đổi mô hình kinh tế, từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thành lập, xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) cũng được định hướng và tiến hành đồng thời. Ngay từ thời điểm ấy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận thức sâu sắc rằng, để TTCK vận hành hiệu quả, có thể phát triển và mở rộng thị trường, hội nhập với quốc tế thì việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Chứng khoán hết sức cần thiết, cần chú trọng.

Hoạt động đào tạo của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Chứng khoán
Hoạt động đào tạo của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Chứng khoán

Đào tạo nguồn nhân lực được cập nhật, bổ sung theo từng giai đoạn

Năm 1996, thời điểm thành lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), nhận thức được vấn đề quan trọng về nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, ngày 5.12.1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Bồi dưỡng nghiệp vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán, nay là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Chứng khoán, với hai nhiệm vụ chính là triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán mới khai sinh này.

Việc thành lập Trung tâm này được coi là bước khởi đầu quan trọng và bài bản nhằm đặt nền móng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán. Cùng với sự hình thành và phát triển các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán nhằm phục vụ cho hoạt động của thị trường, Trung tâm đã mang sứ mệnh lịch sử của mình là đơn vị đầu mối chính triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu cho tới ngày hôm nay.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, trong nhiều năm qua, Trung tâm đã và đang triển khai ngày càng nhiều các loại hình đào tạo khác nhau cho tất cả các nhóm nguồn nhân lực trên thông qua đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán, đào tạo quản trị công ty, đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức UBCKNN và cán bộ quản lý có liên quan, đào tạo, tuyên truyền phổ cập kiến thức cho công chúng đầu tư - xã hội.

Trong đó, đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán đến nay đã có 8 chương trình đào tạo chứng chỉ chuyên môn gắn liền với 8 bộ giáo trình và 8 chứng chỉ chuyên môn. Các khóa đào tạo chuyên môn này là điều kiện bắt buộc đối với đội ngũ người hành nghề trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, UBCKNN còn ủy quyền cho 5 trường đại học được phép tham gia đào tạo (gồm 2 khóa học: Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và TTCK và Khóa học Phân tích và đầu tư chứng khoán). Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ chuyên môn cuối khóa vẫn do Trung tâm thực hiện.

Hàng năm, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho công chức, viên chức UBCKNN mới tuyển dụng vào Ủy ban cũng như đã tuyển dụng luôn được Lãnh đạo Ủy ban đặc biệt quan tâm, nhằm không ngừng cập nhật, bồi dưỡng kiến thức trên nhiều khía cạnh về chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật xu thế, tình hình kinh tế xã hội cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức UBCKNN. Trung tâm với chức năng, nhiệm vụ được giao từ khi thành lập, hàng năm cũng đã và đang góp sức cho công tác đào tạo này.

Về đào tạo Quản trị công ty, tính đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 98 khóa với trên 5.067 học viên, là thành viên HĐQT, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, Thư ký công ty và các cán bộ quản lý khác trong các công ty cổ phần đại chúng. Công tác này cũng đã thu được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng công bố thông tin, quản trị công ty và nâng cao lòng tin của nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.

Đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Chứng khoán đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phối hợp với đơn vị liên quan, các công ty chứng khoán, các trường đại học, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, các khóa học miễn phí nhằm cung cấp cho công chúng đầu tư các kiến thức căn bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cập nhật các văn bản pháp lý, các sản phẩm đầu tư mới; giúp công chúng đầu tư nắm bắt và hiểu rõ hơn về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, các công cụ đầu tư…

Không ngừng đổi mới phương thức đào phục vụ người hành nghề và công chúng đầu tư

Một điểm đặc trưng của TTCK là tính chất phức tạp, hay biến động của thị trường, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư thu lợi nhuận nhưng cũng ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro, lại thường xuyên có nhiều loại sản phẩm đầu tư và dịch vụ đầu tư mới, hiện đại và phức tạp. Cùng với mức độ hội nhập thị trường vốn ngày càng gia tăng khiến cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thị trường chứng khoán càng trở nên quan trọng và chịu nhiều sức ép.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, đội ngũ công chức, viên chức của ngành vẫn đảm bảo được trình độ và năng lực để giúp UBCKNN hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao. Đội ngũ này được trang bị kiến thức cập nhật, kinh nghiệm từ các thị trường phát triển để theo kịp sự phát triển của thị trường cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo điều kiện năng lực công tác khi hội nhập với thị trường quốc tế. Trong đó, cố gắng không ngừng của tập thể đội ngũ cán bộ, lãnh đạo Trung tâm qua các thời kỳ trong việc liên tục xây dựng và hoàn thiện các dịch vụ, hoạt động đào tạo cho nguồn nhân lực của thị trường.

Trong giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tiếp tục hướng đến xây dựng Trung tâm thành đơn vị hàng đầu về đào tạo người hành nghề chứng khoán ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Chứng khoán sẽ tăng cường chất lượng nguồn nhân lực quản trị, tăng cường mạng lưới hợp tác với đội ngũ giảng viên kiêm chức/thỉnh giảng nhằm tăng cường chất lượng các khóa đào tạo. Trong đó, tập trung đào tạo kiến thức, các kỹ năng, đào tạo thực hành qua các công cụ hỗ trợ hiện đại về các loại sản phẩm và dịch vụ mà các tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp cho nhà đầu tư.

Song song với đó, Trung tâm đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương về nghiên cứu và đào tạo. Hài hòa với thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới về chuẩn mực đào tạo người hành nghề, tiến tới sự công nhận chung về chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia trước mắt là các quốc gia trong khu vực ASEAN; tích cực và chủ động tham gia hội nhập, liên kết với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, kết nối, tạo mạng lưới thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển thị trường vốn, TTCK nhằm hỗ trợ Trung tâm trong việc chuyển giao công nghệ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ giảng viên cũng như cho nguồn  nhân lực TTCK trong tương lai.