10 nhóm nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2014 của ngành Tài chính
(Tài chính) “Thực hiện chính sách thu nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư; xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực, đúng chế độ, phản ánh sát hoạt động của nền kinh tế và tình hình tài chính của các doanh nghiệp; bố trí dự toán chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, cơ cấu lại các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo hướng lồng ghép, tiết giảm; đảm bảo các nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới” là những mục tiêu, giải pháp tổng thể thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 của ngành Tài chính.
Đối với nhiệm vụ NSNN năm 2014, triển khai thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trong đó về tài chính - NSNN tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, từ đó tạo nguồn thu ngân sách; kết hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Hai là, triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ về thu NSNN. Tổ chức thực hiện tốt các luật sửa đổi, bổ sung về Quản lý thuế, Thuế Thu nhập DN, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế Giá trị gia tăng; Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế suất thuế tài nguyên.
Tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân; chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu hồi số thuế nợ đọng và quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế Giá trị gia tăng; chú trọng việc thanh tra chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; tăng cường giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hoá ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.
Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Đề nghị các bộ, ngành và địa phương:
Rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ đã ban hành, trên cơ sở đó lồng ghép, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền đối với các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả; hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN; tiếp tục rà soát hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật không phù hợp với thực tế, vượt quá khả năng đảm bảo của NSNN nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả, tiết kiệm.
Tập trung bố trí vốn đầu tư từ NSNN cho các dự án trọng điểm, quan trọng; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2013 nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ xây dựng cơ bản (XDCB); các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014; vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án; các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012-2015; bố trí hoàn trả các khoản vốn ứng trước; hạn chế tối đa khởi công mới các dự án, chỉ bố trí vốn cho các dự án cấp bách khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng XDCB. Thực hiện trong phạm vi mức vốn được giao, không làm phát sinh nợ đọng XDCB.
Ngoài việc tập trung phân bổ, bố trí vốn đầu tư như trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bố trí trả đủ các khoản huy động đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật NSNN đến hạn phải trả trong năm 2014; trả các khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thuỷ sản, chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long đến hạn phải trả trong năm 2014. Đảm bảo bố trí đủ vốn từ NSĐP cho các dự án, chương trình được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu dự án, chương trình.
Đối với chi thường xuyên, sau khi đảm bảo tiền lương và các chế độ, chính sách an sinh xã hội đã được quyết định; bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc triệt để tiết kiệm; không bố trí kinh phí mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); bố trí dự toán chi cho các nhiệm vụ tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, đi công tác trong và ngoài nước,...tối đa không quá 70% mức dự toán năm 2013; từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng biên chế.
Tiếp tục thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng phân bổ kinh phí có trọng tâm, trọng điểm cho các mục tiêu thật cần thiết; các địa phương chủ động lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu, dự án khác có cùng nội dung, cùng thực hiện trên địa bàn để đạt mục tiêu chung, đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn hiệu quả. Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Đối với cho vay tín dụng ưu đãi, thực hiện soát xét theo hướng thu gọn các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên cho phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế. Tiếp tục cho vay tín dụng ưu đãi đối với một số nhóm đối tượng nhằm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.
Bốn là, thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, minh bạch hóa thông tin, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, đặt hàng, giao kế hoạch. Thực hiện cơ chế, chính sách thích hợp để giá các dịch vụ giáo dục, y tế từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường gắn với chính sách hỗ trợ hợp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách; đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ.
Năm là, hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường tài chính
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý ngân quỹ; thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu. Điều hành lãi suất TPCP linh hoạt, phù hợp với điều hành chính sách tiền tệ.
Tiếp tục triển khai tái cơ cấu TTCK và các tổ chức kinh doanh chứng khoán một cách có hiệu quả, an toàn; cơ cấu lại các sở giao dịch chứng khoán theo hướng hợp nhất trên cơ sở thống nhất nền tảng chung, đồng thời có sự phân tách và chuyên biệt hoá thị trường theo hàng hoá giao dịch; tái cấu trúc mô hình hoạt động độc lập Trung tâm lưu ký chứng khoán; sắp xếp lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vì phạm.
Sáu là, quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Thường xuyên theo dõi, tổng hợp và quản lý các chỉ tiêu về nợ, bố trí thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.
Bảy là, đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN. Triển khai quyết liệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Đẩy mạnh việc cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo lộ trình thoái vốn đã được phê duyệt. Tăng cường chức năng quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định. Có giải pháp để các DNNN quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả.
Tám là, khẩn trương triển khai Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập” theo hướng tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập về cả tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính; phân định rõ loại hình dịch vụ để khuyến khích xã hội hoá; phân loại giá, phí dịch vụ để có mức độ và lộ trình điều chỉnh cho phù hợp. Nhà nước có hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách khi điều chỉnh giá dịch vụ công tăng.
Chín là, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Tổ chức thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm quy định không ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, đề án có sử dụng NSNN nhưng không hoặc chưa cân đối được nguồn. Tập trung chỉ đạo công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình, dự án hoàn thành.
Mười là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và việc ban hành văn bản không phù hợp, không khả thi. Tích cực triển khai Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ. Tiếp tục làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tài chính theo Nghị định số 215/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.