100% các khoản thu ngân sách tại Thái Bình được thực hiện tại ngân hàng thương mại
Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình cho biết, hiện các giao dịch thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thu phạt vi phạm hành chính) đã được thực hiện 100% tại các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc phụ trách KBNN Thái Bình cho biết, thời gian qua, KBNN Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với 10 ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, MB,SHB, VPBANK, LienVietPost, MSB,ACB,...) để tăng cường công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước (NSNN) bằng tiền mặt. Nhờ đó đã góp phần tập trung nhanh nguồn thu, thanh toán chi trả kịp thời cho NSNN, hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quản lý ngân quỹ nhà nước và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.
Theo KBNN Thái Bình, nhờ việc tăng cường thực hiện phối hợp thu, số điểm thu NSNN tăng lên về số lượng qua từng năm tại từng hệ thống NHTM – nơi KBNN Thái Bình đã mở tài khoản chuyên thu. Các điểm thu NSNN được phân bố theo địa bàn hành chính đã tạo thuận lợi cho người nộp NSNN.
“Thu NSNN, thu phạt vi phạm hành chính qua NHTM ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn. Hiện các giao dịch thu NSNN (bao gồm cả thu phạt vi phạm hành chính) đã được thực hiện 100% tại các NHTM nhiều kênh tiện ích của từng hệ thống trên địa bàn). Đến thời điểm hiện nay, số lượng tài khoản chuyên thu, tài khoản thanh toán của các đơn vị KBNN Thái Bình là 51 tài khoản”, ông Nguyễn Trung Kiên thông tin.
Bám sát dự toán thu NSNN, đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách. Tính đến hết ngày 15/09/2023, lũy kế thu NSNN đạt 10.995 tỷ đồng, bằng 52,3 % so với dự toán năm. Trong đó: thu nội địa đạt 4.768 tỷ đồng (bằng 42 % so với dự toán năm); thu từ xuất nhập khẩu đạt 1.126 tỷ đồng (bằng 40,2 % so với dự toán năm).
Đại diện KBNN Thái Bình cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu NSNN. Trong đó sẽ tăng cường trao đổi, phối hợp với cơ quan thuế trên địa bàn để thực hiện phân cấp quản lý thu của cơ quan thuế gắn với địa bàn và nơi đăng ký kê khai nộp thuế, gắn với dự toán cân đối thu ngân sách được giao. Đồng thời, quy định cụ thể thời hạn nộp số tiền NSNN đã thu được của các cơ quan được ủy nhiệm thu chủ yếu là UBND xã vào KBNN; quy định cụ thể thời gian phong tỏa tài khoản của người nợ thuế.
KBNN Thái Bình cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp thu ngân sách nhà nước, từ đó thống nhất được thông tin đầu vào của thu NSNN, thống nhất xử lý thông tin thu NSNN, cũng như đảm bảo phát hiện kịp thời các sai sót trong thu NSNN. Tiếp tục rà soát các thủ tục trong quy trình phối hợp thu NSNN để phát hiện những thủ tục không hợp lý, cải tiến theo hướng đơn giản hóa, dễ hiểu, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
KBNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các NHTM để trao đổi thông tin kịp thời trong việc giải quyết mọi vướng mắc; từ đó giúp cho việc thực hiện quy chế phối hợp thu NSNN đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả cơ quan thuế, KBNN, các NHTM và người nộp thuế.
KBNN Thái Bình cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đại diện KBNN, đây là nhóm giải pháp mang tính điều kiện của phối hợp thu NSNN, là cơ sở hạ tầng của phối hợp thu NSNN.
Đặc biệt, để tăng cường phối hợp cưỡng chế nợ thuế, KBNN Thái Bình khuyến nghị các NHTM cần chủ động thường xuyên thông báo về số dư tài khoản cho cơ quan Thuế khi có văn bản yêu cầu của cơ quan thuế, để cơ quan Thuế phối hợp thực hiện thu nợ thuế kịp thời; thực hiện xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về người nợ thuế...