12 bí quyết chi tiêu hợp lý
(Tài chính) Trước hết, bạn cần xác định thật rõ ràng thế này: mục tiêu của bạn là sống tiết kiệm nhưng vẫn đầy đủ và đảm bảo để bé yêu hoàn toàn có được những gì cần thiết cho sự phát triển của con nhưng rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu.
Thử thực hiện các “chiêu” này, chắc chắn sau 1 – 2 tháng, bạn sẽ nhận ra mình dư giả hơn dù thu nhập vẫn chỉ là chừng ấy.
1. Bỏ thói quen ăn ngoài
Một bữa ăn ngoài sẽ tiêu tốn của bạn gấp đôi, thậm chí gấp ba chi phí cho một bữa ăn chất lượng tương đương và tự nấu. Chưa kể bữa cơm gia đình sẽ giúp mọi thành viên đảm bảo sức khỏe hơn, bạn tiết kiệm được luôn chi phí phải mua thuốc hay đưa con đến bác sĩ chỉ vì tiêu chảy hay ngộ độc. Bạn có thể tranh thủ chuẩn bị sẵn các nguyên liệu cần chế biến trong tủ lạnh, sáng dậy hoặc tối đi làm về không mất quá nhiều thời gian nấu nướng.
2. Giảm chi phí đi lại
Xăng bây giờ rất đắt. Bạn cần lên lịch đầu ngày để kết hợp “hành trình” đi lại của mình, sao cho tiết kiệm thời gian và chi phí xăng xe nhất. Ví dụ như bạn nên ghé tiệm tạp hóa trên đường đi làm về, kết hợp việc ghé thăm bố mẹ chồng với việc đi siêu thị cuối tuần. Thấy thì chẳng đáng gì, nhưng nếu bạn biết cách kết hợp lại, chắc chắn bạn sẽ thấy khoản tiền xăng giảm đi đáng kể.
3. Sửa chữa xe cho tốt
Một chiếc xe hỏng hóc lắt nhắt sẽ khiến bạn vừa dễ trễ việc vừa tạo thêm cơ hội cho những điểm sửa xe bên ngoài “chặt chém”. Thêm nữa, xe không tốt sẽ tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn, nghĩa là dù chỉ chạy một quãng ngắn nhưng cũng rất hao xăng. Không chỉ nên sửa xe cho tốt, bạn còn cần để ý đến các chi tiết như bánh xe bơm căng phồng sẽ giúp đỡ hao xăng hơn xe mềm bánh.
4. Tự làm đồ chơi cho con
Trẻ rất mau chán, vì thế, nếu bạn mua cho bé những món đồ chơi quá đắt tiền thì thật phí phạm. Để trẻ có thể phát huy trí tưởng tượng tốt nhất, bạn có thể mua cho con một ít đồ chơi tự tạo hoặc có thể tự tay “chế” ra đồ chơi. Ví dụ, một ít miếng xốp từ thùng ti vi bỏ đi cũng có thể biến thành xe, nhà, chú hề hay con lật đật. Những món đồ chơi tự làm luôn giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng tốt hơn, đồng thời cũng giúp bạn tiết kiệm chi phí hơn.
5. Cũ người mới ta
Trẻ con rất mau lớn. Nhiều em bé mới mặc một bộ quần áo hay mang một đôi giày độ chục lần thì đã chật, trong khi quần áo, giày dép, thậm chí các vật dụng như xe đẩy, nôi, v.v. vẫn mới toanh. Tại sao lại phải bỏ đi? Bạn có thể chọn cách trao đổi, tặng qua tặng lại cho những người thân. Bằng cách này, bạn có thể tiết kiệm được tối đa chi phí mua sắm, trong khi vẫn có được những thứ “mới tinh” cho bé của mình.
6. Lên kế hoạch nấu nướng vừa đủ
Nếu như bữa cơm hôm nay bạn phải bỏ đi cả chén cơm thừa, đổ bớt nửa tô canh hay phí cả một phần xoong thịt ăn chưa hết đã hư thì bạn cần điều chỉnh lại lượng thức ăn mỗi lần nấu. Làm cách nào để mỗi bữa ăn đều vừa đủ, không dư thừa, không bỏ phí. Đó là cả một nghệ thuật cần đến tài năng của nội tướng như bạn.
7. Tận dụng phiếu giảm giá
Đừng cho rằng những thứ này không đáng bao nhiêu. Một số siêu thị luôn có ngày giảm giá trong tuần, một số cửa hàng cho phép bạn tích lũy điểm để lần mua sau được giảm 10 – 15%, một số quán ăn luôn tặng phiếu giảm giá cho lần sau, v.v.. Tất cả những cái này đều nên tận dụng triệt để bởi chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể đấy.
8. Tiết kiệm điện, nước
Trao đổi với các thành viên khác trong nhà về cách thức tiết kiệm điện, nước hữu hiệu nhất. Ví dụ, thay vì mở đèn phòng ngủ cả đêm, bạn có thể chỉ mua một bóng đèn bé xíu đủ tạo ánh sáng mờ. Mở nước nóng khi tắm vừa phải, tắt bớt bóng đèn, tắt ti vi khi không xem, sử dụng đèn compact tiết kiệm điện thay cho đèn thường, sử dụng nước cho máy giặt ở chế độ vừa đủ, không dùng chế độ đầy trong khi bạn chỉ giặt số lượng quần áo ít, v.v.. Những việc nhỏ này sẽ giúp hóa đơn thanh toán tiền điện, tiền nước của bạn cuối tháng “vơi” hẳn xuống.
9. Hỏi mình: Có thật sự cần thứ này không?
Mỗi khi muốn mua sắm bất kỳ một thứ gì, bạn hãy “vặn vẹo” mình vài lần câu hỏi ấy. Một chiếc váy mới tuyệt đẹp để đi đám cưới nhỏ bạn thân là điều ai cũng muốn, nhưng nó sẽ không cần thiết nếu như bạn đã có một số lượng áo váy vừa phải rồi. Không mua một chiếc váy mới, bạn có thể tiết kiệm đến cả triệu đồng chứ không hề ít.
10. Luôn để dành lại 1 đồng
Có một bí quyết rất đơn giản nhưng rất hay là: nếu bạn làm 10 đồng và tiêu xài 9 đồng, bạn luôn trong tình trạng thoải mái; nhưng nếu bạn làm 10 đồng và tiêu xài 11 đồng thì bạn luôn trong trạng thái khủng hoảng tài chính. Vấn đề nằm ở chỗ, không phải bạn kiếm được ít hay nhiều tiền, mà là bạn khéo xoay xở, sao cho có bao nhiêu xài vừa vặn bấy nhiêu, biết dè xẻn lại một khoản để dành đề phòng khi có việc. Chừng đó cũng giúp bạn “khỏe”, kể cả trong những ngày khó khăn nhất rồi.
11. Lập sổ chi tiêu
Thật đơn giản! Chỉ cần một cuốn sổ nhỏ hay một phần mềm trên máy tính, trong đó bạn ghi thật rõ ràng từng khoản chi thu mỗi ngày. Việc lập sổ và ghi chép lại này khiến bạn có ý thức tiết kiệm cao hơn, nhìn ra được ngay khoản nào mình tiêu tốn quá nhiều, chưa hợp lý để điều chỉnh lại.
12. Ưu tiên ngon bổ rẻ
Một lưu ý cực kỳ quan trọng là cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng không đồng nghĩa với việc giảm chất lượng cuộc sống, cụ thể là giảm chất lượng bữa ăn. Nhiều người chọn cách “tiết kiệm” là nhịn bữa sáng, cắt giảm bớt món ăn trong gia đình. Điều này hết sức sai lầm, đặc biệt là cho con, vì một khi bé bệnh thì số tiền bạn tiêu tốn chắc chắn sẽ lớn gấp nhiều lần số tiền tiết kiệm được.
Tuy nhiên, nói vậy cũng không có nghĩa là không có cách. Ví dụ, cùng là sữa, nhưng một số loại sữa trong nước chất lượng cao có giá thành hợp lý hơn sữa ngoại nhập, do giảm được các chi phí như thuế. Trường hợp đó, chọn sữa trong nước sẽ “nhẹ gánh” cho bạn hơn.