2017 - Năm của kinh tế tư nhân
Chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được nhấn mạnh như bây giờ. Khu vực kinh tế tư nhân đã và đang tạo nên khác biệt lớn trong cuộc sống của mỗi người dân. Sức sống ấy như có thể chạm vào được và đang lan tỏa. Nếu biết phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực này, sẽ tạo cơ hội cho người dân về việc làm và thu nhập, cùng chung hưởng sự thịnh vượng của đất nước.
Nhiều khởi sắc
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2016, nhiều chuyên gia nhận định đây là một năm “đặc biệt”, bởi kinh tế Việt Nam phải chịu những tác động từ các yếu tố kinh tế chính trị ở khu vực và thế giới như: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; Brexit; giá dầu thô và nông sản giảm mạnh; hạn hán, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu…
Đối với trong nước, kinh tế năm qua cũng chịu tác động lớn từ biến đổi thời tiết và những tác động từ môi trường. Tất cả đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân, tác động đến nền kinh tế đất nước. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Tăng trưởng GDP đạt 6,21%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (4,74%)…
Đặc biệt, năm 2016, có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký tăng kỷ lục. Đây là lần đầu tiên, lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 1 năm vượt mốc 100.000 doanh nghiệp, tăng tới hơn 16,2%. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%.
Các doanh nghiệp thành lập mới đã đăng ký tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Những lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ 2015 là kinh doanh bất động sản (tăng 83,9%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 52%), giáo dục - đào tạo (tăng 43,1%). Ngược lại, một số ngành nghề kinh doanh có số lượng đăng ký mới giảm so với cùng kỳ là nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 26,2%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 15%).
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân được xác định là do hàng loạt chỉ đạo, định hướng từ người đứng đầu Chính phủ trong năm qua đã được cụ thể hóa tại các cấp, bộ, ngành và địa phương. Từ đó, chính doanh nghiệp đã cảm nhận được những thay đổi trong hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều này cho thấy niềm tin kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, sức sống của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Niềm tin thực sự được củng cố?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây chính là những tín hiệu vui từ khu vực tư nhân, là tia hy vọng cho doanh nghiệp. Bởi trong điều kiện bức bách sau bao nhiêu năm số doanh nghiệp ngừng hoạt động liên tục cao, năm 2015 là 83.000 thì năm 2016 có vẻ chững lại, giảm xuống còn 73.000, đồng thời số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này vẫn cảm thấy băn khoăn khi nền kinh tế của Việt Nam liên tục phải chịu những thách thức hết sức nặng nề của bối cảnh quốc tế, môi trường kinh doanh đang được cải thiện nhưng còn chậm. “Năm 2016, Việt Nam đặt ra chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của ASEAN-4 nhưng thực tế thì khoảng cách với ASEAN-4 vẫn tăng.
Nhiều chỉ số chỉ ra rằng Việt Nam vẫn tụt hạng về môi trường cạnh tranh. Dù mình cố rượt đuổi đạt chỉ tiêu nhưng khoảng cách vẫn còn rất xa. Chính vì thế, câu hỏi trong tôi vẫn là, liệu hy vọng này trong doanh nghiệp nuôi dưỡng được bao lâu? Nó có dài hạn hay không? Nó có biến thành niềm tin thực sự để cho họ có thể phát triển trong năm 2017 cũng như trong tương lai không?”, bà Lan nói.
Doanh nghiệp tư nhân hiện nay phải chịu khá nhiều thuế phí, cộng thêm nhân tố là chi phí tăng lên như chi phí logistics, lãi suất, doanh nghiệp còn phải chịu một loạt chi phí khác. Đơn cử như việc thu phí bảo vệ môi trường, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, việc tăng phí môi trường nhân thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, trong khi đó không ai biết số tiền đó có thực sự được dùng để tái tạo môi trường hay không?
“Tôi thấy chi phí tăng thêm cho doanh nghiệp hầu như chưa hề ngừng lại. Trong thời gian tới, tôi vẫn lo không biết điều này có cải thiện được hay không? Trong khi hai khu vực liên quan cần phải cải thiện để cho môi trường tư nhân phát triển là khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài thì cũng chưa có cải thiện bao nhiêu về chính sách ưu đãi đối với họ. Tổng kết lại, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thì nhiều, nhưng tổng số vốn chỉ tương đương 8% vốn của Nhà nước được cổ phần hóa thôi, có nghĩa là nguồn lực nằm trong doanh nghiệp nhà nước còn quá lớn và không giải phóng được bớt nguồn lực thì doanh nghiệp khu vực tư nhân tiếp tục khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực, tiếp tục phải có nguồn lực với chi phí quá cao để có thể phát triển bền vững”, bà Lan phân tích.