Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:
5 giải pháp hoàn thiện quy định về các khoản được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Tại dự thảo tờ trình Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN.
Theo Bộ Tài chính, Điều 4, Luật Thuế TNDN quy định 11 khoản thu nhập miễn thuế. Về cơ bản, quy định này là phù hợp với thực tế thực hiện thời gian qua, góp phần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các lĩnh vực, ngành nghề cần đặc biệt ưu đãi theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số lĩnh vực, ngành nghề mới mà thu nhập từ các ngành, nghề này cũng cần được xem xét, đưa vào diện miễn thuế TNDN để được ưu đãi cao hơn hoặc một số lĩnh vực cần quy định rõ tiêu chí để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện.
Chính vì vậy, tại Dự thảo tờ trình Dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi, Bộ Tài chính đã xây dựng nhóm chính sách quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN. Theo đó, nhóm chính sách này sẽ giúp đảm bảo việc miễn thuế phù hợp với thực tiễn, gắn với các hoạt động thực sự cần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời khắc phục các bất cập phát sinh trong quá trình triển khai Luật TNDN thời gian qua; quy định rõ tiêu chí đối với các thu nhập được miễn thuế để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tiêu chí xác định một số khoản thu nhập miễn thuế tại Điều 4, Luật thuế TNDN hiện hành. Đồng thời, bổ sung một số khoản thu nhập vào diện được miễn thuế TNDN để thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính đã đưa ra 5 giải pháp khác nhau, cụ thể:
Với giải pháp thứ nhất, sẽ sửa đổi, bổ sung tiêu chí xác định phần thu nhập không chia của cơ sở xã hội hóa, hợp tác xã làm cơ sở xác định thu nhập được miễn thuế. Cụ thể, bổ sung quy định rõ tỷ lệ thu nhập để lại tối thiểu không chia được miễn thuế TNDN của các cơ sở thực hiện xã hội hóa là 25% thu nhập trong kỳ tính thuế của cơ sở thực hiện xã hội hóa để đầu tư phát triển cơ sở thực hiện xã hội hóa. Trường hợp pháp luật chuyên ngành đã có quy định tỷ lệ để lại không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa, hợp tác xã thì áp dụng tỷ lệ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Với giải pháp thứ hai, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ giảm phát thải; bổ sung quy định về miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon để đảm bảo động bộ với pháp luật về bảo vệ môi trường.
Với giải pháp thứ ba, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp: dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành; dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước vẫn phải hỗ trợ kinh phí do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá dịch vụ; dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, bổ sung quy định giảm 50% số thuế TNDN phải nộp đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Với giải pháp thứ tư, sẽ bổ sung các khoản thu nhập sau được miễn thuế TNDN: Thu nhập từ khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; Thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh, thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh; Thu nhập từ khoản bồi thường của Nhà nước; Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu Chính phủ, lãi tín phiếu Kho bạc của các Quỹ thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Với giải pháp thứ năm, Bộ Tài chính sẽ bổ sung quy định ưu đãi miễn thuế có thời hạn nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này sẽ góp phần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập từ hộ kinh doanh tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường tính công khai, minh bạch và lành mạnh nền kinh tế.