Ngành Dự trữ Nhà nước:
5 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng cơ chế, chính sách năm 2018
“Hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia đến nay khá đồng bộ, đã tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu của dự trữ quốc gia”, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho hay.
Không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý
Thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia (DTQG). Ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Kể từ khi có Luật DTQG đến nay, Tổng cục DTNN đã chủ trì xây dựng, tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 03 nghị định và chủ trì, tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 26 thông tư quy định và hướng dẫn các nghiệp vụ quản lý nhà nước về DTQG.
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục DTNN: |
Cùng với đó, một số bộ, ngành quản lý hàng DTQG (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chủ động xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG gửi Bộ Tài chính thẩm tra, thẩm định, ban hành, làm cơ sở quản lý hàng DTQG.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, Tổng cục DTNN đã chủ trì xây dựng và tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành được 03 thông tư quy định về quy chuẩn lỹ thuật quốc gia đối với 3 mặt hàng (bè nhẹ cứu sinh DTQG; máy bơm nước chữa cháy DTQG và máy phát điện DTQG) và 01 thông tư quy định về định mức hao hụt muối ăn DTQG. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 8 văn bản về cơ chế, chính sách quản lý trong nội ngành.
“Hệ thống pháp luật về DTQG đến nay đã khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cơ bản để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý hàng DTQG, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu của DTQG. Đó là, chủ động đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác của đất nước…”, ông Nguyễn Văn Bình nhận định.
Triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, Tổng cục DTNN xác định triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng chính sách, pháp luật năm 2018. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là rà soát, đánh giá 5 năm thực hiện Luật DTQG và Chiến lược DTQG đến năm 2020.
Tính đến tháng 7/2018, Luật DTQG sẽ tròn 5 năm triển khai thực hiện. Trong 5 năm qua đã có nhiều thay đổi, cần phải rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định của Luật DTQG để tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG vừa phù hợp với yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm tính đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, Chiến lược DTQG đến năm 2020 cũng tròn 5 năm thực hiện và cần đánh giá lại để xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược DTQG giai đoạn 2021-2030 phù hợp với quy định của Luật DTQG và yêu cầu thực tiễn.
Nhiệm vụ thứ hai là rà soát lại danh mục hàng DTQG và phân công quản lý hàng DTQG để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Bình, hiện nay, một số mặt hàng trong danh mục hàng DTQG đã lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu, mục tiêu DTQG; Một số mặt hàng có nhu cầu đưa vào dự trữ, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu DTQG nhưng chưa được quy định.
Các cơ quan tham mưu quản lý DTQG tại các bộ, ngành thời gian qua cũng chưa chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh danh mục hàng DTQG cho phù hợp. Do vậy, cần phải tiếp tục rà soát, đối với những mặt hàng có nhu cầu sử dụng theo mục tiêu DTQG nhưng chưa được đưa vào danh mục hàng DTQG, để đề xuất bổ sung; đối với những mặt hàng nào không có trong danh mục hàng DTQG, không thiết yếu nhưng vẫn đang quản lý, để đề xuất giảm danh mục hoặc xuất bán, chuyển đổi danh mục mặt hàng cho phù hợp.
Nhiệm vụ thứ ba là tập trung xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG.
Nhiệm vụ thứ tư là rà soát, xây dựng để ban hành quy định về tiêu chuẩn kho DTQG và quy định quy hoạch kho DTQG cũng là nhiệm vụ quan trọng. Tổng cục DTNN đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn kho phù hợp với từng mặt hàng, nhóm mặt hàng DTQG để phối hợp với Tổng cục DTNN trình cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng quy định của Luật DTQG.
Về quy hoạch kho DTQG, theo ông Nguyễn Văn Bình, đây là nội dung quy định mới tại Luật Quy hoạch vừa được quốc hội thông qua, nên các Bộ quản lý hàng DTQG cần rà soát quy hoạch kho DTQG để gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Ngoài ra, trong năm 2018, Tổng cục DTNN đã đăng ký đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính với 06 đề án thông tư để sửa đổi, bổ sung các quy định về mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG; về kế hoạch và NSNN chi cho DTQG; về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG; về hệ thống chỉ tiêu thống kê DTQG và về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nhà bạt cứu sinh và xuồng cứu nạn DTQG do Tổng cục DTNN quản lý.
Các Bộ, ngành quản lý DTQG cũng triển khai xây dựng các thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG trực tiếp quản lý và phối hợp với Tổng cục DTNN để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Để hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Tổng cục DTNN đề nghị các bộ, ngành quản lý hàng DTQG, các Cục DTNN khu vực và các cơ quan liên quan tham gia phối hợp chặt chẽ với Tổng cục DTNN trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về DTQG trong năm 2018 và những năm tiếp theo.