Ngành Dự trữ Nhà nước: Vững tin bước vào năm mới 2018

PV.

Năm 2017 khép lại, ngành Dự trữ Nhà nước đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính trong lĩnh vực quản lý điều hành thu - chi ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế.

Chất lượng hàng dự trữ luôn là ưu tiên số 1

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Đỗ Việt Đức cho biết: Năm 2017, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố rủi ro khó lường. Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG), sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể Lãnh đạo Tổng cục cùng với với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức trong ngành DTNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mục tiêu và phương châm hành động Tổng cục DTNN đề ra trong năm 2018: "Tập trung nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của dự trữ quốc gia; hàng DTQG được quản lý, bảo quản an toàn, chất lượng đảm bảo; đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa theo định hướng chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra; thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao".

Chia sẻ về những kết quả nổi bật năm qua, ông Đỗ Việt Đức nhẩm tính cụ thể từng lĩnh vực: Về công tác xây dựng cơ chế chính sách, Tổng cục DTNN đã tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng và triển khai các đề án, chính sách thuộc kế hoạch công tác. Trong năm 2017, đã hoàn thành 04 đề án chính sách; 03 đề án chính sách do điều kiện khách quan chưa thể triển khai được, Bộ Tài chính đã đồng ý chuyển sang 2018 tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện;

Về công tác xuất cứu trợ, viện trợ, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ cho các địa phương, với tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 1.818 tỷ đồng, trong đó xuất cấp trên 127.000 tấn gạo để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ. Đến nay, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống;

Về triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục DTNN, ông Đỗ Việt Đức thông tin: Về kinh phí mua lương thực dự trữ, dự toán đầu năm không được giao, mà chủ yếu sử dụng kinh phí từ việc bổ sung để mua bù số hàng đã xuất cấp không thu tiền và số tiền thu được từ xuất bán luân phiên đổi hàng, nên trong năm triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm cao của toàn ngành và sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã nhập đủ 170.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc theo đúng chỉ tiêu kế hoạch được giao và hoàn thành việc xuất bán luân phiên đổi hàng lương thực, đạt 100% kế hoạch.

“Để tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng nhập kho, bên cạnh việc khẩn trương triển khai công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, nhất là đối với gạo và các thiết bị, vật tư, Tổng cục DTNN đã thành lập các đoàn kiểm tra, phúc tra chất lượng; lấy 200 mẫu thóc và 432 mẫu gạo gửi phòng Vilas 628 thuộc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ DTNN phân tích”, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Đỗ Việt Đức cho hay.

Kết quả cho thấy, chất lượng thóc, gạo nhập kho DTQG năm 2017 của các đơn vị so với năm 2016 đã có sự chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu về tỷ lệ hao hụt tấm, hạt bạc phấn... qua phân tích mẫu cho thấy đều đảm bảo yêu cầu chất lượng.

“Có thể nói, hàng nhập kho DTQG đều bảo đảm chất lượng. Quá trình lưu kho đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Vì vậy, khi xuất cấp đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn chất lượng hàng DTQG”, ông Đỗ Việt Đức khẳng định.

Đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa toàn Ngành

Năm 2018, được dự báo tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, nền kinh tế dự báo tiếp tục phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực DTQG còn chưa đáp ứng đủ.

Trong bối cảnh đó, ngành DTNN xác định mục tiêu và phương châm hành động: Tập trung nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của dự trữ quốc gia; hàng DTQG được quản lý, bảo quản an toàn, chất lượng đảm bảo; đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa theo định hướng chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra; thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

“Cụ thể hóa mục tiêu trên bằng những nhiệm vụ trọng tâm”, cho biết điều này, ông Đỗ Việt Đức nhấn mạnh: Thời gian tới,  Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật dự trữ quốc gia. Cùng với đó, tập trung nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG tại các đơn vị trực tiếp quản lý, bảo quản hàng DTQG; Kịp thời tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền, bổ sung vốn mua bù các mặt hàng DTQG đã xuất cấp theo đúng quy định của Luật DTQG…

Tổng cục DTNN sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao; Chủ động xuất cấp hàng DTQG theo đúng quyết định của cấp có thẩm quyền; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị được hỗ trợ để tổ chức giao hàng được kịp thời, đủ số lượng, chất lượng đảm bảo, giao đúng đối tượng được hỗ trợ; Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Công sản và cơ quan liên quan thực hiện tiếp nhận bảo quản tài sản đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản nội ngành tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đúng quy định, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao; Thực hiện tốt Chương trình hành động của Bộ Tài chính và của ngành DTNN về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tổ chức hạch toán, kế toán, thông tin báo cáo và quyết toán kịp thời đúng thời gian quy định; Tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra công tác tài chính nội ngành để kịp thời phát hiện uốn nắn, chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót, giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính…

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành DTQG trong năm 2018 và các năm tiếp theo là hết sức nặng nề, song tin tưởng rằng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương; cùng với quyết tâm đổi mới và sáng tạo, công chức, viên chức toàn ngành DTNN phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ ngành Tài chính năm 2018.