6 tháng đầu năm, kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh mẽ
Điểm nổi bật nhất của tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2022 là hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi, hoạt động thương mại, dịch vụ đa dạng khi du khách đã quay trở lại với nhiều sự kiện được tổ chức để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh, chú trọng giải quyết các vướng mắc hạn chế còn tồn tại trong nền kinh tế hiện nay.
Tốc độ tăng trưởng nhanh, đồng đều ở các lĩnh vực
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Tư TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,46%).
Từ mức giảm sâu ở quý III, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%, quý II/2022 ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Tốc độ tăng trưởng của từng khu vực đạt kết quả tương đối đồng đều: Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,23% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế với mức tăng 4,04% so với cùng kỳ, khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất 4,83% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,86%).
Về tổng thu ngân sách nhà nước, 6 tháng đầu năm là 233.000 tỷ đồng, đạt 61,7% so với dự toán của cả năm và tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa: 169.937,884 tỷ đồng, đạt 62,92% dự toán, tăng 21,02% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 25.111,251 tỷ đồng, đạt 25,19% dự toán, giảm 37,68% so với cùng kỳ.
Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch đạt 25 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP 6 tháng đầu năm qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,1%). Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 26%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 7,3%). Các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả. Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch.
Tuy nhiên, kinh tế TP vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là thị trường nguyên liệu, giá cả xăng dầu trong nước tăng cao ảnh hưởng tới việc phục hồi kinh tế, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân cũng như các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng tuy có tăng, nhưng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cấu phát triển. Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn còn thấp, chưa đạt kế hoạch theo yêu cầu, một phần do những vướng mắc về thể chế, chính sách. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư một phần cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp nước ngoài. Việc giải quyết các thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, ảnh hưởng đến việc hấp thu vốn kể cả việc giải ngân vốn đầu tư công cũng gặp khó khăn. Hấp thu vốn từ xã hội cũng bị vướng mắc rất nhiều thủ tục và rất nhiều dự án không chạy được, cho nên dòng tiền không chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, không tạo ra công ăn việc làm, không tạo ra giá trị cho nền kinh tế.
Thực hiện tốt các nhóm giải pháp cuối năm
Trên cơ sở kết quả đạt được, TP. Hồ Chí Minh xác định 6 tháng cuối năm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tăng cường công tác điều trị, đặc biệt là các trường hợp nặng; tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 (mũi thứ 4) cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đẩy nhanh tiến độ các nội dung đề án, chương trình nhánh nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm sóc nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, người lao động, nhất là các đối tượng nạn nhân ảnh hưởng trực tiếp dịch COVID-19. Tập trung triển khai cao điểm ra quân thực hiện chiến dịch mùa hè phòng, chống sốt xuất huyết, không để lây lan phát sinh thêm, hạn chế thấp nhất các tổn thất, thương vong liên quan đến sốt xuất huyết. Sẵn sàng kịch bản ứng phó cho mọi tình huống dịch bệnh.
Về phát triển kinh tế, thành phố nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình: Khuyến mại tập trung năm 2022; Bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023; Tổ chức Diễn đàn Xuất khẩu năm 2022; Hoàn thành và triển khai Chiến lược Phát triển ngành cao su - nhựa Thành phố giai đoạn 2020 - 2030.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, kết quả thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế xã hội là kết quả của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân thành phố. Vấn đề phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi giải quyết nhanh các vấn đề tồn đọng của giai đoạn trong và sau dịch, đặc biệt là vấn đề thủ tục hồ sơ. Ông cũng nhấn mạnh 6 tháng cuối năm, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện 19 chỉ tiêu theo HĐND thành phố đã thông qua; Tập trung triển khai rà soát lại 49 đề án trọng điểm, mục tiêu đến tháng 10 năm nay hoàn thành giai đoạn hồ sơ, bắt tay vào thực hiện; Đẩy nhanh các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Hoàn thành quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh và TP. Thủ Đức trong năm nay; Tập trung xử lý các dự án công trình trọng điểm về giao thông, chống ngập, các chương trình an sinh xã hội; Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả đề án Chuyển đổi số của thành phố, tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, bình ổn giá… Trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xác định mục tiêu được đề ra triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục những thiếu sót trong 6 tháng cuối năm. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã đề ra 12 nhóm giải pháp giải pháp, triển khai những công việc cụ thể.
Trong đó, yêu cầu tập trung rà soát và quyết liệt thực hiện 19 chỉ tiêu KT-XH theo nghị quyết của HĐND Thành phố; triển khai nhiệm vụ quy hoạch KT-XH; rà soát, bổ sung quy hoạch chung của TP; hoàn thành quy hoạch chung TP. Thủ Đức trong tháng 7 này; Tập trung triển khai rà soát lại 49 đề án trọng điểm, mục tiêu đến tháng 10 năm nay hoàn thành giai đoạn hồ sơ, bắt tay vào thực hiện; Đẩy nhanh các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Tập trung xử lý các dự án công trình trọng điểm về giao thông, chống ngập, các chương trình an sinh xã hội; Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả đề án Chuyển đổi số của thành phố, tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, bình ổn giá…
Bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tăng cường công tác điều trị, đặc biệt là các trường hợp nặng; tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 (mũi thứ 4) cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.