8 nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon
Tại Kế hoạch số 09/KH-BTNMT về triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đề ra 8 nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về quản lý tín chỉ các-bon, phương thức tạo tín chỉ các-bon, phát triển thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới...
Theo Kế hoạch số 09/KH-BTNMT, Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị chủ trì nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch có trách nhiệm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính thống nhất và đồng bộ với các chương trình, kế hoạch liên quan và phù hợp với quy định của pháp luật. Các hoạt động truyền thông được tổ chức kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng nội dung và đúng đối tượng. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Trong đó, Bộ TN&MT đã đề ra 8 nhiệm vụ chủ yếu nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đề ra tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
Một là, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có các quy định về quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và ra nước ngoài.
Hai là, xây dựng và ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của lĩnh vực quản lý chất thải theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Ba là, nghiên cứu thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường các-bon trong nước, trao đổi với quốc tế.
Bốn là, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ các-bon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải, bảo đảm việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải theo NDC; đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường các-bon của lĩnh vực quản lý chất thải.
Năm là, chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện tuyên truyền sâu rộng về các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện NDC, phương thức tạo tín chỉ các-bon, tham gia thị trường các-bon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường các-bon tuân thủ.
Sáu là, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan và địa phương có rừng xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC để làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon rừng với các đối tác quốc tế; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng và quy định chi tiết đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng hấp thụ các-bon rừng; xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho khu vực chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Bảy là, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo mục tiêu tổ chức, vận hành thí điểm và chính thức đã đề ra; nghiên cứu đánh giá kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành, phát triển thị trường các-bon.
Tám là, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá hiện trạng các hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ các-bon, trao đổi tín chỉ cácbon; yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trên địa bàn.