92% doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra vi phạm nghĩa vụ thuế
(Tài chính) Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cả nước hiện có khoảng 480.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, nhưng số DN thường xuyên có doanh số kê khai chỉ khoảng 390.000. Như vậy, có khoảng 90.000 DN đang hoạt động nhưng trốn kê khai, đồng nghĩa với việc không thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, có khoảng 50.000 - 55.000 DN có đăng ký kinh doanh nhưng không có hoạt động, đây cũng là nhóm có rủi ro gây thất thu ngân sách.
"Qua quá trình thanh tra, kiểm tra ở cơ quan thuế, mỗi năm chúng tôi mới thanh tra, kiểm tra được 18-20% DN, nhưng 92% DN được thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm về thuế. Một năm chúng tôi lập biên bản mà DN phải ký xác nhận đã tăng thu, truy thu cho ngân sách tới 12.600 tỷ đồng (trong năm 2012), 9 tháng đầu năm nay là 8.500 tỷ đồng”, Thứ trưởng Tuấn cho biết.
Từ phía là cơ quan Nhà nước trực tiếp thu thuế và tiếp xúc với DN, Cục Thuế TP. Hà Nội nhận định tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế đang diễn biến rất phức tạp, xu hướng ngày càng gia tăng, nghiêm trọng ở hầu hết các loại hình DN.
Trong 10 sắc thuế Nhà nước đã ban hành, có 5 sắc thuế bị tội phạm lợi dụng nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu và thuế nhà đất. Tội phạm trốn thuế diễn ra phổ biến trên tất cả các lĩnh vực gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, còn có loại tội phạm lừa đảo để chiếm đoạt tiền ngân sách qua hoàn thuế GTGT cũng diễn biến phức tạp. Nổi lên hiện nay là các DN hình thành loại hình công ty mẹ, công ty con (thành lập nhiều DN) mở chi nhánh ở nhiều địa phương để xuất hóa đơn GTGT mua bán hàng hóa lòng vòng với nhau mà không có hàng hóa, thậm chí ghi giá trị bán thấp hơn giá trị đầu vào để làm thủ tục hợp thức hóa bộ hồ sơ xin hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách. Hay một loại tội phạm khác là lợi dụng một số văn bản pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, một số DN, đặc biệt là một số ngân hàng lợi dụng kẽ hở để cố tình trốn thuế GTGT.
Đánh giá về tình trạng vi phạm của DN trong lĩnh vực thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng tỷ lệ vi phạm là rất cao. “Số DN được thanh tra chưa tới 20%, như vậy câu hỏi được đặt ra là 80% số DN còn lại có vi phạm hay không? Trong 20% số DN được thanh tra, kiểm tra, liệu ngành thuế đã làm rõ hết được các vi phạm chưa?. Nếu chưa làm được hết mà số liệu đã như vậy thì có thể đánh giá được tính vi phạm rất cao. Trong đó, bao nhiêu vi phạm là có dấu hiệu hình sự mà chúng ta mới chỉ xử lý hành chính?”.
Hiện nay, có một thực tế là việc thành lập DN quá dễ dàng. Bất kỳ ai, kể cả những đối tượng có nhân thân lai lịch phức tạp, không đủ năng lực hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính nhưng cũng có thể đứng ra thành lập DN với mục đích mua bán hóa đơn thu lời bất chính. Điều này khiến việc quản lý thuế gặp rất nhiều khó khăn.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần tiếp tục kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề điều kiện thành lập doanh nghiệp. Để thành lập DN cần có ít nhất 3 điều kiện là điều kiện về nhân thân, cơ sở vật chất - tài chính và điều kiện tối thiểu về quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang tăng cường kiểm soát những vi phạm liên quan tới hóa đơn, chứng từ thông qua việc siết chặt quy định về tự in hóa đơn.
Qua 5 năm phối hợp với Tổng cục Thuế trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực thuế, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế nhiều là do luật thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và chưa thực sự nghiêm minh.
Ví dụ, tội phạm trốn thuế trong Luật Hình sự chỉ quy định 7 năm tù là quá nhẹ. Bởi vậy, đề nghị tăng mức hình phạt, hình phạt càng nghiêm khắc, thì người phạm tội sẽ giảm. Đồng thời, cần bổ sung thêm điều luật “tội khai báo sai hóa đơn thuế GTGT nhằm hưởng lợi từ hoàn thuế hay giảm giá trị thuế phải nộp”, để các cơ quan chức năng có cơ sở khi xử lý các hành vi nêu trên.
“Đối với Luật Doanh nghiệp nên cụ thể hóa điều kiện khi thành lập DN, phải có ràng buộc với cơ quan pháp lý. Tránh việc lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để lập DN ma mua bán hóa đơn thu lời bất chính. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế cũng như Luật Thuế GTGT cũng cần có những sửa đổi cho phù hợp theo hướng rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ hơn về điều kiện thủ tục hoàn thuế, tránh bị lợi dung nhằm chiếm đoạt tiền thuế, bên cạnh đó cần có hình thức xử lý nghiêm để ngăn chặn. Ngoài ra, Luật Quản lý Thuế nên quy định thêm về việc chống chuyển giá đối với các DN…”, Thiếu tướng Thịnh đề xuất.