Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc


Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Theo Bộ Tài chính, do Nghị định số 23/2018/NĐ-CP chưa có quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nên Bộ Tài chính đề xuất quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung quy định.

Đồng thời, để doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thuận lợi trong việc xác định mức phí bảo hiểm của cơ sở sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E, Bộ Tài chính đề xuất quy định trách nhiệm của Bộ Công an là ghi hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp tại Biên bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm nộp trực tiếp kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy chữa cháy từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc vào Tài khoản của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương, gửi báo cáo tình hình thu nộp kinh phí tới Bộ Tài chính.

Để việc rà soát số liệu thống nhất và thuận tiện, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm gửi báo cáo nộp kinh phí cho Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP thành doanh nghiệp bảo hiểm gửi báo cáo nộp kinh phí cho Bộ Công an (Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

Đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu về chế độ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm

Để quy định về chế độ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về lập và gửi các báo cáo đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Trong đó, về báo cáo nghiệp vụ, doanh nghiệp bảo hiểm phải lập và gửi Bộ Tài chính báo cáo nghiệp vụ năm theo mẫu gồm: Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm báo cáo; Thời gian gửi báo cáo chậm nhất sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm. Phương thức gửi báo cáo là gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc gửi qua hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính.

Đối với báo cáo tình hình thu, nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, doanh nghiệp bảo hiểm phải lập và gửi Bộ Công an báo cáo theo mẫu quy định. Trong đó, thời gian chốt số liệu đối với báo cáo 6 tháng đầu năm là tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 của năm báo cáo; đối với báo cáo 6 tháng cuối năm tính từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 của năm báo cáo.

Thời gian gửi báo cáo đối với báo cáo 6 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 31/7 hàng năm và đối với báo cáo 6 tháng cuối năm chậm nhất là ngày 31/01 của năm tài chính kế tiếp. Doanh nghiệp bảo hiểm gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Công an. Ngoài các báo cáo nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm lập và gửi báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định về điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Nghị định. Theo đó, các hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã giao kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp sửa đổi, bổ sung sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực, thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nếu được thông qua sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mở rộng số lượng các cơ sở tham gia bảo hiểm này, giúp bảo vệ tài chính cho các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.