Giải quyết thách thức đối với công tác quản lý thuế thương mại điện tử

Việt Dũng

Để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Tổng cục Thuế đã và đang triển khai thực hiện quyết liệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT” ban hành kèm theo Quyết định số 2146/QĐ-BTC ngày 6/9/2021 của Bộ Tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với nhiều đặc tính riêng có và phức tạp, lĩnh vực kinh doanh TMĐT ngay khi xuất hiện đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, trong đó có quản lý thuế. Thời gian vừa qua, cơ quan thuế các cấp đã có nhiều biện pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này, nhưng những thách thức dường như vẫn hiện hữu và thường xuyên thay đổi, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới công tác quản lý thuế.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế; hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT...

Ngành Thuế cũng tiến hành rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube… để thông báo kê khai, nộp thuế; phối hợp với các ngân hàng thương mại truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định

Đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn TMĐT...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT...

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, số thu khoảng 1.200 tỷ đồng/năm từ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vẫn là con số rất khiêm tốn. Do vậy, từ thực tiễn kinh doanh TMĐT và công tác quản lý thuế đối với hình thức này cho thấy, với tình trạng thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT đang đòi hỏi các giải pháp thu thuế hiệu quả hơn, quyết liệt hơn.

Để giải quyết thách thức trong quản lý thuế đối với TMĐT, Tổng cục Thuế đang tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo đó, Tổng cục Thuế đã và đang triển khai thực hiện quyết liệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT” ban hành kèm theo Quyết định số 2146/QĐ-BTC mà Bộ Tài chính phê duyệt ngày 6/9/2021. Theo đó, lộ trình ngắn hạn từ nay đến năm 2023, ngành Thuế chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ áp dụng công nghệ thông tin 4.0; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội xây dựng cơ sở dữ liệu rủi ro; tăng cường công tác quản lý; hiện đại hóa công tác quản lý thuế đối với TMĐT; hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý thuế…

Bên cạnh đó, đối với kế hoạch dài hạn, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT là hoàn thiện pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; xây dựng đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế... 

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến ngày 15/07/2022 đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng trên 20 triệu USD.

Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Đối với thuế giá trị gia tăng, cần tăng cường hiệu quả của việc thu thuế giá trị gia tăng bằng cách yêu cầu các nhà khai thác nền tảng kỹ thuật số, thu và nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh số bán hàng được thực hiện thông qua nền tảng của họ.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, việc chống thất thu thuế TMĐT đã được Bộ Tài chính, cũng Tổng cục Thuế quyết liệt triển khai, bước đầu đã có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, ngành Thuế mong muốn nhận sự được sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan chia sẻ, kết nối thông tin và có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm, nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.