Thu khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động thương mại điện tử

Việt Dũng

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, lũy kế số thu từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 29/06/2022 đạt 5.432 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả từ các giải pháp quản lý thuế với hoạt động TMĐT

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế đã xây dựng và trình Bộ Tài chính phê duyệt đề án ”Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT”.

Theo đó, ngành Thuế đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các Luật Thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế.

Theo đó, cơ quan Thuế đã yêu cầu các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin; khai thuế, nộp thuế thay cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Để tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử (Etaxvn.gdt.gov.vn) dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ thuế và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax-Mobile).

Cùng với đó, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, trong đó, chú trọng hình thức tuyên truyền tại các chuyên mục về pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí chuyên ngành (Chuyên mục Thuế và đời sống trên VTV1, chuyên mục Chuyên gia của bạn trên VOV giao thông, Tạp chí thuế, Tạp chí Tài chính, và các chương trình báo chí truyền hình khác); Phát động cuộc thi viết về thuế đối với TMĐT để mọi người dân chung tay đề xuất, hiến kế nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công An, Ngân hàng Nhà nước xây dựng chương trình làm việc và ký thỏa thuận hợp tác xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.432 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 29/06/2022), tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, có một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.071 tỷ đồng; Google là 2.034 tỷ đồng; Microsoft là 692 tỷ đồng.

Thông qua Cổng thông tin điện tử, đã có nhiều nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký thực hiện nộp thuế TNDN, GTGT. Thống kê sơ bộ cho thấy, số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp trên Cổng tại kỳ kê khai quý I/2022: Microsoft đã nộp 0,5 triệu USD, Tiktok đã nộp 34,5 tỷ đồng, Netflix đã nộp 7,8 tỷ đồng và Facebook sẽ nộp thuế trên toàn bộ doanh thu (từ tổ chức và cá nhân) vào quý II/2022.

Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, lũy kế từ năm 2018 đến hết tháng 5/2022, cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 782 tỷ đồng (riêng 5 tháng đầu năm 2022 thu đạt 220 tỷ đồng). Một số Cục Thuế có số thu lớn như: Cục Thuế TP. Hà Nội với số thu khoảng 358 tỷ đồng, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh với số thu khoảng 146 tỷ đồng, Cục Thuế Đà Nẵng với số thu khoảng 67 tỷ đồng...

Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thuế đối với hoạt động TMĐT

Trong thời gian tới, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về thuế góp phần tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, Tổng cục Thuế tiếp tục đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung đối với văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để đảm bảo căn cứ pháp lý thống nhất và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT.

Song song với đó là các giải pháp đẩy mạnh hiện đại hoá công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, Sàn TMĐT, ...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT...

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế tiếp tục triển khai theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT. Trong đó, tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin và hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, hiện Tổng cục Thuế đang nghiên cứu một số ý kiến đề xuất giúp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, điển hình như: ý kiến đề xuất thu thuế GTGT tại nguồn đối với các giao dịch TMĐT, cụ thể, sẽ tách trừ trực tiếp thuế GTGT trên dòng tiền thanh toán thành 2 phần: một phần là tiền thuế GTGT sẽ được chuyển về tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại kho bạc, phần còn lại chuyển cho người bán.

Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần củng cố cơ sở pháp lý như sửa đổi Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNCN, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, trong thời gian chưa sửa đổi các quy định pháp luật về thuế để có thể thực hiện khấu trừ thuế GTGT, khai thuế, nộp thuế tại nguồn thì sẽ triển khai xây dựng Hệ thống thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT và các giao dịch thanh toán đối với dịch vụ số xuyên biên giới ngay khi phát sinh giao dịch để quản lý thuế kịp thời, hiệu quả.