Kho bạc Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020

Nhật Tân

Tại buổi Họp báo diễn ra tại Trụ sở Kho bạc Nhà nước sáng ngày 23/12/2020, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, lũy kế thu ngân sách nhà nước đến ngày 21/12/2020 đạt 1.378.307 tỷ đồng, bằng 91,14% dự toán năm.

Toàn cảnh buổi họp báo chuyên đề về “Kết quả công tác trọng tâm của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2020” sáng ngày 23/12/2020.
Toàn cảnh buổi họp báo chuyên đề về “Kết quả công tác trọng tâm của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2020” sáng ngày 23/12/2020.

Tập trung nhanh các khoản thu, kiểm soát chi chặt chẽ, đúng quy định

Phát biểu tại buổi họp báo chuyên đề về “Kết quả công tác trọng tâm của hệ thống KBNN năm 2020”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Vinh cho biết, năm 2020, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) các cấp.

Đến hết ngày 21/12/2020, lũy kế thu NSNN đạt 1.378.307 tỷ đồng, bằng 91,14% dự toán năm. Trong đó: Thu nội địa (không kể dầu thô) đạt 1.166.669 tỷ đồng, bằng 92,29% dự toán năm; thu dầu thô đạt 33.974 tỷ đồng, bằng 96,52% dự toán năm; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 176.726 tỷ đồng, bằng 84,96% so dự toán năm.

Về công tác kiểm soát chi NSNN, KBNN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kiểm soát chi chặt chẽ, đúng quy định, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đối với chi thường xuyên, lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến 15/12/2020, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 993.729 tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán chi thường xuyên năm 2020 của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Đối với chi đầu tư, tính đến ngày 15/12/2020, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 là 356.806,8 tỷ đồng/471.788,7 tỷ đồng; bằng 75,6% kế hoạch năm 2020 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 12,4%. Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019 kéo dài sang 2020 là 64.941 tỷ đồng/94.972,4 tỷ đồng, bằng 68,4% kế hoạch.

Tổng chi phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn đến ngày 17/12/2020 là 1.219.962 triệu đồng theo Nghị quyết số 37/NQ-CP và 12.820.522 triệu đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát chi NSNN qua KBNN, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: Quy trình, thủ tục đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình kiểm soát chi. Cơ chế kiểm soát cam kết chi cũng được triển khai và từng bước hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần hạn chế tình trạng nợ đọng...

“Thời gian kiểm soát chi đã giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày. Áp dụng nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, rút ngắn tối đa thời gian thanh toán xuống còn 1 ngày làm việc; thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro căn cứ giá trị của khoản chi đối với chi thường xuyên; kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi”, ông Nguyễn Quang Vinh thông tin thêm.

Đảm bảo kế hoạch huy động vốn, quản lý ngân quỹ nhà nước hiệu quả

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn, đảm bảo tính bền vững của nợ công, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp huy động vốn phù hợp với tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch vay trả nợ của NSNN và tình hình thị trường.

Cùng với đó, KBNN đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), trong đó, tập trung phát hành các kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Đến ngày 22/12/2020, KBNN đã huy động được 320.929 tỷ đồng, đạt 94,6% kế hoạch năm. Dự kiến đến 31/12/2020, KBNN sẽ cơ bản hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn được Bộ Tài chính giao.

“Trong năm 2020, KBNN đã tiến hành triển khai quy trình đấu thầu gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử và ký kết phụ lục hợp đồng gửi tiền điện tử. Từ đó, góp phần thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước hiệu quả, công khai và minh bạch”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết. Có thể nói, trên cơ sở công tác quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả, KBNN đã nộp vào ngân sách trung ương 3.000 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ.

Đẩy nhanh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) trong toàn hệ thống KBNN, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7, giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị. Về phía các đơn vị KBNN, DVCTT góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi.

“Đây là bước đi đầu tiên, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Hiện KBNN đã cung cấp 9 thủ tục DVCTT mức độ 3, 4; hoàn thành tích hợp 7 thủ tục hành chính KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, vượt 47.8% kế hoạch Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Cụ thể, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng NSNN thuộc đối tượng giao dịch qua DVCTT mức độ 4, tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN tháng 11/2020 đi qua DVCTT đạt 98%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT”, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Cũng trong năm 2020, hệ thống KBNN tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Số thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN hiện chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%. Trên cơ sở các kết quả đạt được trong công tác CCHC, KBNN được Bộ Tài chính đánh giá là một trong hai đơn vị đi đầu thuộc khối Tổng cục thực hiện tốt công tác CCHC.

Nhìn chung, vượt qua những khó khăn, thách thức, hệ thống KBNN đã đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng cùng ngành Tài chính thực hiện có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đến hết ngày 21/12/2020, lũy kế thu NSNN đạt 1.378.307 tỷ đồng, bằng 91,14% dự toán năm. Trong đó: Thu nội địa (không kể dầu thô) đạt 1.166.669 tỷ đồng, bằng 92,29% dự toán năm; thu dầu thô đạt 33.974 tỷ đồng, bằng 96,52% dự toán năm; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 176.726 tỷ đồng, bằng 84,96% so dự toán năm.