Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):

Ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào quá trình khôi phục kinh tế giai đoạn 1955-1957

T. Huyền (T/h)

Trong giai đoạn khôi phục kinh tế 1955-1957, ngành Tài chính đã quán triệt chủ trương quan điểm của Đảng, cân bằng thu chi ngân sách một cách tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu về vốn, sử dụng vốn đúng hướng, có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thắng lợi trong phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn này.

Trụ sở Bộ Tài chính sau ngày tiếp quản Thủ đô (nay là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Ảnh: Tư liệu
Trụ sở Bộ Tài chính sau ngày tiếp quản Thủ đô (nay là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Ảnh: Tư liệu

Vạch rõ nhiệm vụ tài chính thích hợp với điều kiện kinh tế - xã hội

Năm 1955, cùng với việc tăng cường chỉ đạo công tác kinh tế - tài chính, hoàn thành cải cách ruộng đất, củng cố quốc phòng, chủ trương khôi phục kinh tế của Đảng đã được Chính phủ cụ thể hoá trong Báo cáo Chính trị tại phiên họp Quốc hội khoá I, kỳ 4 tháng 3/1955.

Trong đó, về khôi phục nông nghiệp, lấy sản xuất lương thực là chủ yếu, đồng thời chú ý đến sự phát triển của các ngành khác. Coi trọng khôi phục và phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để đảm bảo đời sống cho nhân dân. Về khôi phục công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp nhẹ, phục vụ sản xuất, đời sống và mau chóng tích luỹ vốn cho Nhà nước. Về thương nghiệp, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, cố gắng bình ổn giá những thứ hàng chính; thúc đẩy sản xuất hát triển.

Để đẩy nhanh công cuộc khôi phục kinh tế, Đảng và Nhà nước chủ trương củng cố nền tài chính quốc gia, vạch rõ những nhiệm vụ tài chính thích hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu khôi phục kinh tế trong thời điểm này. Theo đó, tăng thu đúng chính sách, chế độ; triệt để khai thác các nguồn thu trong nước, động viên đúng mức khả năng đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Thuế là nguồn thu quan trọng, trong đó thuế công thương nghiệp là hàng đầu. Tăng các khoản thu đối với xí nghiệp quốc doanh; sử dụng hợp lý viện trợ; tăng dần tỷ lệ thu trong nước, với chống lãng phí, tham ô; giảm chi hành chính đi đôi với khôi phục và phát triển kinh tế ngày càng lớn.

Đồng thời, bảo đảm cân bằng thu, chi ngân sách, đi đôi với cân bằng thu, chi tiến mặt, góp phần bình ổn vật giá, cải thiện dần đời sống nhân dân, đặc biệt chú ý đến đời sống bộ đội, cán bộ, công nhân viên. Xây dựng chính chính sách thuế; nghiên cứu xây dựng chế độ quản lý tài chính đối với xí nghiệp, quốc doanh, sửa đối chế độ lương bậc của công nhân, viên chức và bộ đội.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành Tài chính đã nỗ lực tìm giải pháp để tạo thêm nguồn thu trên cơ sở phát huy quyền chủ động sản xuất - kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh. Đi đôi với đó là tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển và đời sống nhân dân.

Đóng góp quan trọng vào quá trình khôi phục kinh tế

Viêc ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, chế độ, biện pháp tài chính giai đoạn 1955-1957 phù hợp với tình hình và đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế. Về thu ngân sách, số thu trong nước tăng nhanh, năm 1957 tăng gần gấp đôi năm 1955.

Trong đó, thu từ xí nghiệp quốc doanh tăng nhanh nhất, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu ngân sách. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế quốc doanh ngay trong thời gian khôi phục kinh tế, đó là sự đảm bảo chắc chắn cho việc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng như ổn định và phát triển của tài chính và ngân sách nhà nước trong những chặng đường tiếp theo.

Về chi ngân sách, quy mô, phương hướng và kết cấu chi ngân sách nhà nước giai đoạn 1955-1957 thay đổi rõ rệt so với thời kỳ kháng chiến, phản ánh đúng và đáp ứng tốt đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Tốc độ chi tăng hàng năm, chi ngân sách năm 1956 tăng 58% so với năm 1955, năm 1957 tăng 12,7% so với năm 1956.

Nét nổi bật là nếu trong chiến tranh, ngân sách chủ yếu phục vụ cho chiến đấu, phần dành cho xây dựng kinh tế rất ít, thì nay khoản chi cho xây dựng kinh tế và phát triển văn hoá chiếm tỷ trọng tuyệt đối lớn, năm sau cao hơn năm trước, tính bình quân trong ba năm (1955-1957), khoản chi này chiếm khoảng 60% tổng số chi ngân sách. Chi quốc phòng giai đoan này giảm nhiều so với trước, đặc biệt là chi cho quản lý hành chính được Nhà nước tăng cường quản lý, quy định tiêu chuẩn, định mức chặt chẽ nên tỷ trọng giảm nhanh qua từng năm.

Ngân sách đã dành trên 45% tổng số chi cho kiến thiết cơ bản, trong đó chi kiến thiết cho khu vực sản xuất chiếm gần 80%, với tốc độ tăng chi bình quân hàng năm là 56%. Từ số vốn này, ngành công nghiệp đã được đầu tư khoảng 30% trong ba năm, tăng từ 6,9% năm 1955 lên 30,6% năm 1956 và 41,8% năm 1957, để khôi phục các xí nghiệp cũ, xây dựng một số cơ sở mới, chú trọng trước hết công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời, quan tâm đúng mức đến các ngành công nghiệp nặng quan hệ trực tiếp đến công nghiệp nhẹ và nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp được đầu tư 13,3% để phục hồi và xây dựng thuỷ lợi và xây dựng một số nông trường, nông dân còn nhận được một khoản vốn bằng khoảng 1/3 mức đầu tư trên từ nguồn tín dụng ngân hàng để mua sắm nông cụ, trâu bò và phân bón.

Công cuộc khôi phục kinh tế được bảo đảm kịp thời về mặt tài chính đã đạt thành tựu to lớn. Đến hết năm 1957, nông nghiệp không những hàn gắn xong vết thương chiến tranh mà còn phát triển một bước, vượt mức của năm 1939, năm cao nhất trong thời kỳ Pháp thuộc. Nếu như năm 1939 diện tích trồng lúa của miền Bắc là 1.811.000 ha, năng suất 13,04 tạ/ha, sản lượng 2.407 tấn; thóc bình quân đầu người là 211,2 kg thì các con số tương ứng của năm 1957 là 2.191.800 ha, 18,01 tạ/ha, 3.948 tấn và 286,7 kg.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng vậy, năm 1957 so với năm 1939, đàn trâu tăng 51,1%, đàn bò tăng 60,1%, đàn lợn tăng 30,8%. Về công nghiệp, số xí nghiệp được khôi phục năm 1955 là 21 cơ sở, năm 1956 là 110 và năm 1957 là 150, trong đó có 93 xí nghiệp do Trung ương quản lý với 50 xí nghiệp là cơ sở mới xây dựng bao gồm cả nhà máy cơ khí Hà Nội, con đầu lòng của công nghiệp chế tạo máy Việt Nam ra đời ngay trong thời gian này. Đến cuối năm 1957 sản xuất công nghiệp đã đạt mức năm 1939 trong đó sản lượng công nghiệp quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng (năm 1955 là 41,7%; năm 1956 là 60,3%; năm 1957 là 66,6%).

Mặt khác, thủ công nghiệp cũng được khuyến khích hỗ trợ nên phục hồi và phát triển khá, nếu năm 1955 chỉ có 111.300 cơ sở với 298.400 lao động thì cuối năm 1957 đã có 156.329 cơ sở với 440.000 lao động. Do vậy, sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp tăng lên rõ rệt, cuối năm 1957 bằng 299,8% năm 1939 đã cung cấp cho nền kinh tế quốc dân những sản phẩm thiết yếu, đóng góp hiệu quả vào việc khôi phục nông nghiệp, giao thông vận tải... và đáp ứng được những nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, có cả một số mặt hàng trước đây chưa sản xuất được, phải hoàn toàn dựa vào nhập khẩu.

Như vậy, nhiệm vụ cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế giai đoạn 1955-1957 đã hoàn thành tốt đẹp. Sản xuất công, nông nghiệp không những đạt mà còn nhiều mặt vượt mức của năm cao nhất trước chiến tranh, giao thông vận tải không còn bị ách tắc, lưu thông hàng hoá được mở rộng trên toàn miền Bắc, thị trường giá cả, tiền tệ đi vào thế ổn định, đời sống nhân dân bớt khó khăn có mặt được cải thiện, nhất là nông dân.

Ngành Tài chính đã quán triệt chủ trương quan điểm của Đảng, vươn lên cân bằng được thu chi ngân sách một cách tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu về vốn và sử dụng vốn đúng hướng, có hiệu quả, đóng góp vào thắng lợi của những nhiệm vụ phục hồi kinh tế xã hội trong giai đoạn này. Từ đó tạo cơ sở vững chắc hơn để tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trên con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).