Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Ngành Tài chính nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Trần Huyền

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính–ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính sáng ngày 16/7/2021, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định toàn ngành Tài chính sẽ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nửa năm 2021 đã khép lại, đứng trước thách thức khó khăn của đại dịch Covid-19, chứng kiến sức ép lạm phát giá dầu tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các gói kích thích kinh tế của các quốc gia cùng với đại dịch Covid-19 đã tạo sức ép đòi hỏi ngành Tài chính phải nỗ lực phấn đấu vượt qua.

6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,64%. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, kết quả thu ngân sách nhà nước của ngành Tài chính đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,8% dự toán, tăng 17,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,7% dự toán, tăng 19,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 59,3% dự toán, tăng 39,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngành Tài chính đang đứng trước thách thức lớn, cuối tháng 4/2021 đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến cho, tháng 5 thu ngân sách giảm 32 nghìn tỷ, tháng 6 giảm 40 nghìn tỷ, tháng 7 chắc chắn có xu hướng giảm. Do đó, từ nay đến cuối năm, tình hình thu ngân sách sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chi ngân sách, ngành Tài chính phải điều hành chính sách tài khoá chủ động, linh hoạt, từ cắt giảm chi hội nghị, các khoản chi thường xuyên, phát hành trái phiếu chính phủ để cân đối ngân sách.

Thực tế này đòi hỏi ngành Tài chính phải chủ động, sáng tạo tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước điều hành kinh tế vượt qua khó khăn, giữ vững mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, có 5 trụ cột ngành Tài chính cần đạt được đó là: hoàn thiện thể chế, điều hành chính sách tài khoá hiệu quả, quản lý chặt chẽ nợ công, quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm, công sản, dự trữ quốc gia, phòng chống buôn lậu, tiết kiệm, chống lãng phí tốt.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tài chính không chỉ quản lý về tài chính-ngân sách mà còn là Bộ ban hành chính sách. Ban hành chính sách để tài chính nhà nước, doanh nghiệp, dân cư phát triển thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo tích luỹ, ngân sách nhà nước từ đó phát triển bền vững ổn định, giảm sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài, nợ công.

Trong 6 tháng đầu năm, trong số các nghị định Chính phủ ban hành thì số nghị định do Bộ Tài chính chủ trì chiếm 42%, trong đó có những nghị định được đánh giá là mở đường cho sự phát triển như: Nghị định 60 về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về quỹ phát triển, tự chủ...; Nghị định 67 thay thế Nghị định 167 giải phóng nguồn lực; Nghị định 44 xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Nghị định 52 giảm thuế cho doanh nghiệp...

Về quản lý nợ công, trong 6 tháng, Bộ Tài chính đã phát hành 141,5 nghìn tỷ đồng để tái cơ cấu nợ công, bù đắp bội chi ngân sách, lãi suất thấp, thời hạn dài.

Trong công tác quản lý thị trường tài chính, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm phát triển ổn định. Thị trường chứng khoán thời gian vừa qua có hiện tượng nghẽn lệnh nhưng đã Uỷ ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán đã nỗ lực khắc phục được tình trạng này bằng công nghệ.

Hiện nay, thị trường rất tốt, chỉ số giao dịch tăng, vốn hoá thị trường đạt 6.838 tỷ đồng, giao dịch bình quân 32 nghìn tỷ đồng... Tuy nhiên, cần cảnh báo về phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, kiểm soát doanh nghiệp thô lỗ, quản lý công ty cổ phần có vốn nước ngoài... để đảm bảo thị trường chứng khoán minh bạch.

Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã bãi bỏ 197 thủ tục, sửa đổi bổ sung 320 chế độ báo cáo, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tài chính xếp thứ 2 trong số các bộ, ngành; sắp xếp bộ máy giảm 4.343 đầu mối, giải thể 9 đơn vị sự nghiệp. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thu gọn đầu mối, áp dụng công nghệ thông tin tối đa trong cải cách thủ tục hành chính.

Công tác chống buôn lậu cũng được Ngành thực hiện tốt. Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra thuế, chống buôn lậu, tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Đảng, Nhà nước để trong giai đoan khó khăn này, ngành Tài chính vừa thắt lưng buộc bụng vừa tạo những đột phá để đất nước phát triển.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành, địa phương tiếp tục sát cánh, chỉ đạo, hỗ trợ phối hợp để cùng ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trực tiếp trao đổi và làm rõ về các đề xuất, kiến nghị của địa phương liên quan đến nguồn tiết kiệm chi cho phòng chống dịch, tỷ lệ điều tiết ngân sách, tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập, trụ sở xây dựng nhà đất, giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA, hỗ trợ ngân sách cho các địa phương, định mức chi thường xuyên...