Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số


Sẽ có quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là một trong những nội dung đáng lưu ý được Bộ Tài chính xây dựng tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Dự thảo đã xây dựng quy định chặt chẽ về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Brain & Company về kinh tế số Đông Nam Á 2020, ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam đạt giá trị 3,3 tỷ USD, tăng 18% so với 2019. 

Theo đó, các đối tượng có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số gồm 4 đối tượng gồm: nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; Tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài; Tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam; Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Về nguyên tắc xác định doanh thu phát sinh tại Việt Nam để kê khai, tính thuế, tại Dự thảo quy định các loại thông tin được sử dụng để xác định giao dịch của tổ chức (cá nhân) mua hàng phát sinh tại Việt Nam gồm: 

- Thông tin liên quan đến việc thanh toán của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam (thông tin về thẻ tín dụng dựa trên số BIN, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc các thông tin tương tự mà tổ chức (cá nhân) mua hàng sử dụng để thanh toán với nhà cung cấp ở nước ngoài).

- Thông tin về tình trạng cư trú của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam (thông tin địa chỉ thanh toán, địa chỉ giao hàng, địa chỉ nhà hoặc các thông tin tương tự mà tổ chức (cá nhân) mua hàng khai báo với nhà cung cấp ở nước ngoài).

- Thông tin về truy cập của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam (Thông tin về mã vùng điện thoại quốc gia của thẻ SIM, địa chỉ IP, vị trí đường dây điện thoại cố định hoặc các thông tin tương tự của tổ chức (cá nhân) mua hàng).

Để xác định một giao dịch phát sinh tại Việt Nam để kê khai, tính thuế, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng 02 thông tin không mâu thuẫn nhau bao gồm một thông tin liên quan đến việc thanh toán của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam và một thông tin về tình trạng cư trú (hoặc thông tin về truy cập của tổ chức/cá nhân) tại Việt Nam nêu trên.

Trong trường hợp liên quan đến việc thanh toán của tổ chức (cá nhân) không thu thập được hoặc mâu thuẫn với thông tin còn lại, nhà cung cấp ở nước ngoài được phép sử dụng 02 (hai) thông tin không mâu thuẫn nhau bao gồm một thông tin về tình trạng cư trú của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam và một thông tin về truy cập của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam.

Dự thảo cũng quy định, trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài.

Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì các tổ chức có đăng ký kinh doanh và hoạt động theo pháp luật Việt Nam phát sinh mua  hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.

Nếu cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay.

Theo dự thảo này, Bộ Tài chính quy định Tổng cục Thuế sẽ công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch; Sau đó chuyển cho các ngân hàng, trung gian thanh toán để khấu trừ thuế.

Trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng, trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế. Ngành thuế phải tập hợp chứng từ, yêu cầu các doanh nghiệp kê khai chi tiết thay vì chỉ báo cáo chung là chi phí quảng cáo, khuyến mãi.

Hiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và lấy ý kiến người dân và các tổ chức. Sau khi được thông qua được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu quản lý thuế các ngành kinh doanh xuyên biên giới mà không đặt văn phòng ở Việt Nam.

Xem nội dung Dự thảo Thông tư tại đây.

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện nay nhiều tập đoàn như Facebook, Google... chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam, hầu hết mới chỉ định các đại lý kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên nền tảng này. Các tập đoàn trên cũng cho phép người dùng có thể tự đăng ký và thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng. Việc Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng vẫn chưa đóng thuế hiện đang là vấn đề được các nhà quản lý tại Việt Nam tìm các giải pháp xử lý.