Agribank tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới

Võ Thy Trang

Với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn, Agribank luôn tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ tại gian hàng Agribank. Nguồn: Agribank.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ tại gian hàng Agribank. Nguồn: Agribank.

Tiến tới số hóa 100% dịch vụ cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn

Thời gian qua, Agribank luôn không ngừng ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán tạo thuận lợi cho khách hàng nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính. Cụ thể, Agribank ưu tiên đầu tư các dự án công nghệ nhằm nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng, tăng cường an ninh bảo mật, đảm bảo cho các hệ thống công nghệ thông tin luôn hoạt động ổn định, an toàn; phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ yêu cầu quản trị điều hành và phát triển dịch vụ sản phẩm mới, kênh phân phối mới...

Hiện nay, Agribank đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống thiết bị POS sang công nghệ EMV và triển khai công nghệ thẻ không tiếp xúc nhằm hạn chế rủi ro, chi phí cho khách hàng. Agribank cũng đang triển khai hiệu quả mô hình Autobank với sản phẩm lõi là CDM/CRM nhằm tiết giảm chi phí vận hành, chi phí kiểm quỹ, tiếp quỹ ATM, giảm áp lực cho giao dịch tại quầy tiến tới thay thế dần các phòng giao dịch truyền thống.

Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục đầu tư phát triển hơn nữa các dịch vụ E-Mobile Banking, Internet Banking để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, triển khai mô hình Autobank áp dụng phương thức định danh khách hàng e-KYC bằng công nghệ sinh trắc học (cả khuôn mặt và vân tay) cho phép khách hàng đăng ký thông tin khách hàng trực tuyến, đăng ký mở tài khoản trực tuyến, đăng ký phát hành thẻ, nhu cầu vay vốn trực tuyến thay vì phải vào quầy giao dịch... nhằm số hóa 100% dịch vụ cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Agribank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ định danh điện tử eKYC góp phần đơn giản hóa quy trình mở tài khoản, góp phần nâng cao trải nghiệm sử dụng sản phẩm đối với khách hàng. Đây là dịch vụ vừa để thích ứng với đại dịch, vừa đáp ứng nhu cầu và nâng cao tiện ích, tính an toàn trong giao dịch phục vụ khách hàng. Trong quá trình triển khai eKYC, Agribank đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất như công nghệ đọc dữ liệu hình ảnh, công nghệ nhận diện gương mặt…

Việc áp dụng eKYC khẳng định quyết tâm chuyển đổi số toàn diện của Agribank, đồng thời thể hiện nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng lợi ích và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Qua đó góp phần giảm thiểu một số thủ tục giấy tờ, giải tỏa áp lực trong khâu vận hành, nhất là đối với nhân viên tại quầy giao dịch, nâng cao năng suất làm việc tại ngân hàng…

Ứng dụng dữ liệu dân cư  trong hoạt động ngân hàng

Bên cạnh duy trì mô hình ngân hàng số (Agribank Digital), Agribank tiếp tục thử nghiệm và triển khai theo lộ trình ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch. Với hình thức này, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 01 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay.

Quá trình mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao do thông tin khách hàng được hệ thống “đọc” qua chip và được xác thực trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an.

Trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20 - 25 phút, nay khách hàng chỉ mất từ 4 - 5 phút để hoàn tất giao dịch nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin căn cước công dân và các phần mềm hỗ trợ liên quan. Hơn nữa, các khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, lần sau có thể giao dịch tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM... mà không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào.

 

Agribank tăng cường phát triển các phần mềm, ứng dụng gắn với công tác quản trị, điều hành và hoạt động kinh doanh của Agribank hướng tới cung ứng dịch vụ ngân hàng tự động theo hướng số hóa, đa kênh, nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel II.

Công nghệ xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chíp mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng và ngân hàng như: Cắt giảm thủ tục và thao tác thủ công, rút ngắn thời gian giao dịch, nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) thu thập được sẽ giúp Agribank nhận diện và phân loại khách hàng để phục vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Việc đưa ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong hoạt động ngân hàng khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Cụ thể, bên cạnh xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình tổ chức, quy trình nghiệp vụ để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc triển khai, ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng và phát triển ngân hàng số, Agribank đầu tư phát triển hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên xây dựng và triển khai các dự án giảm tải cho hệ thống Core banking, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới hệ thống Core banking khi có điều kiện.

Đồng thời, Agribank tăng cường phát triển các phần mềm, ứng dụng gắn với công tác quản trị, điều hành và hoạt động kinh doanh của Agribank hướng tới cung ứng dịch vụ ngân hàng tự động theo hướng số hóa, đa kênh, nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel II; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, đảm bảo an toàn, bảo mật, nâng cao trải nghiệm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng, với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”, hạn chế tối đa lỗi hệ thống, nhất là các hệ thống thanh toán thẻ, thanh toán điện tử.