Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến công tác kế toán thuế

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 05/2020

Kế toán thuế là một phần quan trọng không thể thiếu trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp. Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công tác này có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn và thử thách. Các đơn vị cần tận dụng cơ hội và có giải pháp thích ứng với những yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công tác kế toán thuế trong doanh nghiệp

Công tác kế toán thuế được coi là cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với Nhà nước. Thông qua công tác kế toán thuế, Nhà nước có thể quản lý được nền kinh tế dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, kế toán thuế  giúp cho các DN có thể kinh doanh một cách ổn định và thực hiện báo cáo thuế đúng quy định của Nhà nước một cách rõ ràng và minh bạch.

Kế toán thuế là công việc làm việc trực tiếp với cơ quan thuế, thể hiện sự tăng trưởng hay hoạt động hiệu quả của DN và cũng là cơ sở đánh giá một DN. Người làm công tác kế toán thuế phải hiểu rõ những vấn đề liên quan đến thuế để có thể giúp đơn vị dễ dàng hơn trong quản lý.

Ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến công tác kế toán thuế

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực kế toán thuế. Những cơ hội và thách thức đối với công tác kế toán thuế của DN cụ thể như sau:

Những cơ hội

CMCN 4.0 đã, đang có tác động mạnh mẽ trong việc tăng cường ứng dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo và công nghệ đột phá nhằm nâng cao năng lực quản trị, tự động hóa quy trình nghiệp vụ và phát triển các ứng dụng hiện đại giúp công tác kế toán được nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả hơn.

Những tiến bộ từ CMCN 4.0 chính là động lực giúp các DN trong nước phát triển, cạnh tranh với nhau và giữa các DN trong nước với các DN nước ngoài trong điều kiện nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, từ đó, DN có những thay đổi cách thức trong các hoạt động nói chung và công tác kế toán thuế nói riêng để thích ứng với điều kiện mới.

Đến hết năm 2019, có 99,86% số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99,49% số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, 89,77% số doanh nghiệp có hoàn thuế giá trị gia tăng sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử. Theo kế hoạch trong năm 2020, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai tích hợp 95 thủ tục hành chính về khai thuế tại Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, mạng máy tính kết nối các thị trường tài chính trên toàn cầu thành một thị trường thống nhất và hoạt động liên tục. Điều này góp phần khắc phục trở ngại về thời gian và không gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo điều kiện cho các giao dịch kế toán nói chung và kế toán thuế nói riêng được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả.

Ảnh hưởng của CMCN 4.0 như Internet, Internet vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (Big Data), điện toán đám mây… giúp các đơn vị định hình lại mô hình kinh doanh, thanh toán điện tử, quản trị, hạch toán kế toán, kê khai thuế, nộp thuế… hướng tới việc xây dựng các ứng dụng thông minh trong tương lai.

Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn (Big data) giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán càng có nhiều thuận lợi nhờ đó mà công tác kế toán thuế cũng trở nên dễ dàng hơn. Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng, hiệu quả, từ đó góp phần giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN, đặc biệt là công tác hạch toán, kê khai thuế, nộp thuế…

Những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ của CMCN 4.0 góp phần thúc đẩy sự hình thành những sản phẩm dịch vụ với chất lượng cao như hỗ trợ kê khai thuế, quyết toán thuế… Sự ra đời và phát triển của những sản phẩm dịch vụ kế toán, tài chính mới này sẽ tạo thuận lợi trong việc nâng cao hiệu quả công tác kế toán thuế cho các DN.

CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của cán bộ, nhân viên nói chung và những người làm công tác kế toán thuế nói riêng, đặt ra yêu cầu đối với mỗi cá nhân phải nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn để nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

Các thách thức đặt ra

CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho công tác kế toán thuế trong DN nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức buộc các đơn vị phải quan tâm. Một số thách thức lớn đối với công tác kế toán thuế của DN như sau:

- CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác kế toán thuế thích ứng với bối cảnh mới. Cơ quan quản lý nhà nước gặp phải một số thách thức lớn liên quan đến nhiều nội dung, trong đó kiểm soát về chất lượng, việc tuân thủ pháp luật trong kê khai, quyết toán và nộp thuế cua các đơn vị.

- CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu mới về số lượng, chất lượng cán bộ, nhân viên làm công tác kế toán thuế. Tại Việt Nam hiện nay, công tác kế toán chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi đó, CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Chính vì vậy, nếu kế toán viên không am hiểu về công nghệ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các công việc chuyên môn. Giải quyết những hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên và sắp xếp công việc hợp lý cho nhân viên là một bài toán không hề dễ đối với các đơn vị trong bối cảnh CMCN 4.0.

- CMCN 4.0 mang đến cho công tác kế toán thuế những cơ hội mới nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin. Tính bảo mật của thông tin là vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kế toán thuế, đặt ra yêu cầu cần phải có các biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ các phần mềm, phần cứng và dữ liệu của DN. Trong quá trình ứng dụng các kết quả của CMCN 4.0, yêu cầu đặt ra là các công ty phải quản lý được những thay đổi và đảm bảo rằng các dịch vụ an toàn bên cạnh việc triển khai các dịch vụ mới trong kỷ nguyên số.

- DN cũng gặp thách thức trong đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ số. Đầu tư cho các thiết bị công nghệ sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên chi phí đầu tư là vấn đề đáng quan tâm của các DN.

Lộ trình ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực Thuế

Để thích ứng với những thay đổi mà CMCN 4.0 mang đến, ngành Thuế đã tích cực có những thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới. Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 02/2018/CT-BTC nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể. Đến thời điểm này, toàn ngành Thuế đã triển khai các đầu công việc.

Điển hình như ứng dụng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực Thuế thực hiện theo lộ trình:

- Năm 2018-2022: Triển khai hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trên nền tảng tiên tiến, hiện đại.

- Năm 2018-2020: Triển khai giải pháp trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ về thủ tục hành chính thuế, quy trình nghiệp vụ cũng như hỗ trợ về ứng dụng, hệ thống cho người nộp thuế và cán bộ thuế:

- Năm 2018-2019: Ứng dụng công nghệ trợ lý ảo (chatbot) hỗ trợ cán bộ thuế sử dụng ứng dụng, hệ thống.

- Năm 2019-2020: Ứng dụng công nghệ trợ lý ảo (chatbot) hỗ trợ người nộp thuế (NNT) về quy trình, thủ tục hành chính về thuế.

- Năm 2018-2020: Triển khai cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành thuế, tiến tới phân tích, xử lý dữ liệu lớn phục vụ công tác dự báo số thu, quản lý rủi ro về thuế, chống chuyển giá, thanh tra, kiểm tra về thuế.

- Năm 2018-2019: Cơ sở dữ liệu tập trung ngành Thuế.

- Năm 2019-2020: Nâng cấp Cơ sở dữ liệu tập trung ngành Thuế để đưa ra các báo cáo phân tích, xử lý dữ liệu lớn phục vụ quản lý ngành thuế.

- Năm 2020-2022: Xây dựng ứng dụng phục vụ công tác dự báo số thu trên cơ sở dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu tập trung ngành Thuế và mô hình dự báo số thu do ngành Thuế ban hành.

- Năm 2019-2020: Triển khai ứng dụng quản lý rủi ro để phục vụ công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra về thuế.

- Năm 2019-2020: Triển khai ứng dụng phục vụ công tác quản lý chống chuyển giá.

Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2019, có 99,86% số DN đang hoạt động trên cả nước sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99,49% số DN sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, 89,77% số DN có hoàn thuế GTGT sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử. Theo kế hoạch trong năm 2020, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai tích hợp 95 thủ tục hành chính về khai thuế tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Khi đó, người nộp thuế chỉ cần đăng nhập một lần tại Cổng dịch vụ công quốc gia là có thể sử dụng các dịch vụ khai, nộp thuế điện tử của cơ quan thuế.

Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kế toán thuế trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0

Lộ trình ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực Thuế và bối cảnh mới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho hoạt động của DN nói chung và công tác kế toán thuế nói riêng. Để nâng cao hiệu quả của công tác kế toán thuế, cần có những thay đổi theo hướng thích ứng với điều kiện mới, bao gồm:

Một là, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, nhân viên đảm nhiệm công tác kế toán thuế làm cho họ hiểu rõ tầm quan trọng, ảnh hưởng của cuộc cách mạng số đến lĩnh vực kế toán thuế, từ đó, mỗi cá nhân cần chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ khoa học công nghệ để thích ứng với những yêu cầu mới của thời đại.

Hai là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Kế toán nói chung và kế toán thuế nói riêng, trong đó chú trọng đổi mới và tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ kế toán viên đủ năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu của ngành, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ so với khu vực và thế giới.

Ba là, chú trọng đầu tư, hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để có thể hiện đại, tự động hóa hầu hết các quy trình kế toán và quy trình kế toán thuế, phát triển dịch vụ kế toán thuế thông qua ứng dụng công nghệ số dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều.

Bốn là, xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán thuế trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chiến lược được xây dựng căn cứ vào thực trạng ngành Thuế và những vấn đề do CMCN 4.0 đặt ra, Tập trung phát triển công tác kế toán thuế hiện đại, tiên tiến, đảm bảo vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của CMCN 4.0.

Năm là, đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh mạng. Các DN cần đầu tư, trang bị các giải pháp về an ninh, bảo mật, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, bảo mật; bảo đảm bí mật thông tin của đơn vị.

Sáu là, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động, dịch vụ về kế toán thuế được hình thành trong bối cảnh CMCN 4.0; xây dựng cơ chế quản lý giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Bảy là, chú trọng đổi mới đào tạo và nghiên cứu khoa học kế toán, kiểm toán trong bối cảnh CMCN 4.0 giúp xây dựng được đội ngũ nhân viên làm công tác kế toán thuế với trình độ chuyên môn cao và khả năng thích ứng tốt với công nghệ hiện đại.               

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Thu Hà (2018), Quản lý thuế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính;

2. Lê Thị Oanh (2019), Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến nghề kế toán viên, Tạp chí Tài chính;

3. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/;

4. http://baohaiquan.vn.