Xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp FDI khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu

Hoàng Minh

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành khác xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính thông qua các giải pháp trực tiếp, cũng như gián tiếp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau khi Việt Nam chính thức áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023.

Chiều ngày 5/5/2023, tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để chuẩn bị cho việc ứng phó với các tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ nghiên cứu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là tổ phó thường trực. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thành lập một nhóm giúp việc cho Tổ. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chỉ ra được những cơ hội và thách thức khi áp thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngày 18/4/2023, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” nhằm lắng nghe những đề xuất và lấy ý kiến từ các tổ chức tư vấn độc lập, cũng như khuyến nghị của chính các doanh nghiệp FDI. Tại Hội thảo này, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp FDI đều khuyến nghị Việt Nam nên chủ động sớm ban hành quy định về pháp luật để giành quyền áp thuế tối thiểu toàn cầu. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu các giải pháp chủ động giành quyền đánh thuế nhưng tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam.

“Chúng ta phải sớm xây dựng, điều chỉnh hệ thống pháp luật để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu, tức là thay đổi so với mức ưu đãi trước đây mà chúng ta đã cam kết”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng các giải pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thông qua các giải pháp trực tiếp, cũng như gián tiếp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau khi Việt Nam chính thức nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu, thay đổi mức độ ưu đãi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, dự kiến sẽ có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI như tăng cường đầu tư xây dựng cơ sợ hạ tầng trực tiếp trong khu công nghiệp mà những doanh nghiệp FDI đang đóng nhà máy tại các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có thể xây dựng những chính sách về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho những doanh nghiệp, hoặc những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) khi đầu tư tại Việt Nam, cùng nhiều chính sách khác sao cho phù hợp với cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời thỏa mãn được lợi ích doanh nghiệp, từ đó hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài.