ANZ dự đoán Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng tiền tệ hơn nữa
(Tài chính) Theo ANZ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ổn định nhưng sức phục hồi chậm chạm. Báo cáo của ANZ cho rằng sự chậm trễ trong việc giải quyết nợ xấu có khả năng sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng trong nước ở dưới mức tiềm năng.
Nhu cầu trong nước yếu, nhu cầu nước ngoài bù đắp
Báo cáo cập nhật về kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vừa được công bố nêu bật tình trạng sức cầu yếu trong nước, trái ngược với tình trạng cầu ngoại vẫn mạnh và đang là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo bản báo cáo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ổn định nhưng sức phục hồi chậm chạm. Tăng trưởng GDP quý I ở mức 4,96%, thấp hơn mức dự đoán của thị trường là 5,2% và thấp hơn dự đoán của ANZ là 5%, dù đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong 2 năm trở lại đây.
|
Với nhận định kinh tế Việt Nam thường hoạt động yếu vào đầu năm và mạnh lên sau đó trong năm, nên ANZ vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức lần lượt là 5,6% và 5,8% trong năm 2014 và 2015.
Về lạm phát, ANZ cho rằng họ có thể hạ dự báo lạm phát năm 2014, hiện đặt ra ở mức 7,0-7,5%, nếu các dự án của Chính phủ Việt Nam không thúc đẩy được nhu cầu trong nước trong nửa sau của năm nay.
|
Lạm phát giảm cho thấy nhu cầu trong nước cải thiện chậm. ANZ nhận định quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa, bằng cách giảm lãi suất tái cấp vốn đi 50 điểm cơ bản xuống 6,50% vào giữa tháng 3, không tác động nhiều đến tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu cao của các ngân hàng đang kìm hãm hứng thú với các tài sản rủi ro, khiến nguồn cung tín dụng thắt chặt.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ đạt trung bình 10,3% trong quý I, thấp hơn so với mức 11,7% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh về lạm phát, doanh số bán lẻ thực chỉ tăng chưa đến 6%. Điều đó cho thấy nhu cầu trong nước vẫn tăng thấp hơn xu hướng, dù đang cải thiện dần dần.
Trong khi đó, nhu cầu bên ngoài tăng bù đắp nhu cầu nội địa yếu và giúp thúc đẩy tài khoản vãng lai.
Hoạt động mạnh của khu vực FDI có thể sẽ hỗ trợ ngành sản xuất hàng xuất khẩu khi Việt Nam đang tăng cường chuỗi giá trị trong ngành sản xuất hàng bán dẫn từ việc sự phụ thuộc nhiều vào ngành may mặc.
Tính đến ngày 20/3 , đã có 252 dự án FDI mới được phê duyệt , đưa vào hơn 2 tỷ USD vốn đăng ký mới. Có khoảng 82 dự án hiện có đã nhận được vốn bổ sung trị giá 1,3 tỷ USD, đưa tổng số vốn FDI trong quý I lên 3,3 tỷ USD. Lĩnh vực sản xuất giữ vị trí hàng đầu trong thu hút FDI, chiếm gần 70% vốn FDI, chủ yếu là do đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo ANZ, đầu tư FDI vào ngành công nghiệp bán dẫn có khả năng sẽ vẫn là một sự hỗ trợ quan trọng cho ngành sản xuất liên quan đến hàng xuất khẩu.
Thị trường tiền tệ ổn định
ANZ đánh giá cán cân đối ngoại của Việt Nam ổn định đang hỗ trợ cho đồng nội tệ. Trong tháng 3, thâm hụt thương mại thu hẹp giúp cán cân thương mại trong quý I thặng dư 1 tỷ USD, góp phần vào sự ổn định của thị trường ngoại hối.
Trong tháng 3, tỷ giá USD/VND được giao dịch trong ngưỡng 21,070-21,110.
Đồng VND ổn định cho phép NHNN tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết dự trữ ngoại hối đã tăng 7,7 tỷ USD trong quý I. Việc mua USD của NHNN đã giữ thanh khoản của đồng VND dồi dào kể từ tháng 2.
Lãi suất ngắn hạn của đồng VND vẫn nằm trong ngưỡng hẹp quanh 1,50-2,00 % trong vài tháng qua. Để giảm lượng thanh khoản dư thừa, NHNN đã bán 244,8 nghìn tỷ đồng giá trị tín phiếu kỳ hạn 1-3 tháng trong quý I, một khối lượng kỷ lục trong bối cảnh thanh khoản dư thừa. Hầu hết số tín phiếu này sẽ đáo hạn trong quý II.
Nợ xấu vẫn là nỗi lo
Báo cáo nhận định mức nợ xấu cao vẫn đang kìm hãm nhu cầu trong nước.
Các ngân hàng vẫn còn e dè trong việc mở rộng tín dụng. Điều đó được minh chứng qua việc tăng trưởng tín dụng trong quý I gần như không thay đổi.
NHNN vẫn lạc quan rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 là 12-14 % là có thể đạt được.
Trong năm 2013, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đã đạt được sau khi tín dụng tăng mạnh trong tháng 12 nhờ các biện pháp khuyến khích tạm của NHNN, vốn đã hết hạn vào cuối năm 2013.
Theo ANZ, nếu không có các biện pháp tương tự vào cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ khó vượt mức mục tiêu của năm 2014.
Báo cáo cũng cho rằng sự chậm trễ trong việc giải quyết nợ xấu có khả năng sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng trong nước ở dưới mức tiềm năng.
Việc NHNN hoãn thực hiện Thông tư 02 thêm 9 tháng, theo quan điểm của ANZ, là một bước lùi trong chính sách và có thể sẽ kéo dài tâm lý không muốn cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng.
Theo đó, ANZ nhận định các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ tiếp tục hoạt động kém do thiếu kinh phí, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) sẽ phát triển mạnh.
Do tín dụng tăng trưởng chậm, các ngân hàng trong nước vẫn là đối tượng mua trái phiếu chính phủ lớn nhất. Mặc dù thanh khoản dồi dào, các ngân hàng vẫn còn do dự khi cho vay, khiến trái phiếu chính phủ vẫn là lựa chọn đầu tư chính. Các ngân hàng trong nước đã mua khoảng 80% lượng trái phiếu phát hành kể từ đầu năm, trong khi các ngân hàng nước ngoài mua 10%, còn các tổ chức tài chính mua 9,6%.
Trong một nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lạm phát giảm bớt, NHNN đã nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ của mình vào ngày 18/3, với việc giảm lãi suất tái cấp vốn đi 50 điểm cơ bản xuống 6,5%, đưa tổng mức giảm kể từ đầu năm 2012 lên 850 điểm cơ bản.
Theo ANZ, bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào nữa sẽ có tác động hạn chế đối với tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng này cho rằng tín dụng tăng trưởng yếu chủ yếu là do cung tín dụng thắt chặt do các ngân hàng không muốn cho vay vì mức nợ xấu cao trong bảng cân đối tài sản của họ.
Tuy nhiên, ANZ thừa nhận vẫn có khả năng NHNN sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa nếu lạm phát tiếp tục giảm.