Áp dụng 4 quy định khác luật chống dịch: Kịp thời, dứt khoát!
Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tạo điều kiện để Chính phủ chủ động thực hiện và huy động tối đa nguồn lực phòng chống dịch nhanh chóng nhất, hợp lý nhất.
PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ với DĐDN về việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết đồng ý cho Chính phủ áp dụng 4 nội dung khác luật hiện hành trong nhóm giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19.
Đại dịch COVID-19 lần thứ tư đang diễn ra rất phức tạp và khó lường do biến chủng Delta lây lan với tốc độ nhanh, có nhiều biểu hiện đột biến. Với thẩm quyền hiện có trong luật để Chính phủ xử lý thì có thể còn những vấn đề gây khó khăn trong việc đáp ứng các biện pháp khẩn cấp nhằm phòng, chống dịch.
Cho nên, để đảm bảo cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như giữ ổn định trong hoạt động trong sản xuất và xã hội thì cần phải có biện pháp đặc biệt.
“Và một trong những biện pháp đặc biệt, đó là Quốc hội đã trao cho Chính phủ những quyền quyết định đến công tác phòng, chống dịch, nhằm giúp Chính phủ chủ động ứng phó với dịch trong mọi tình huống có thể xảy ra. Đây là một quyết định đặc biệt nhưng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của tình hình dịch bệnh hiện nay”, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là một quyết định nhanh chóng, kịp thời và cũng đảm bảo tính sáng tạo giúp Chính phủ có điều kiện thực thi các biện pháp tốt nhất nhằm chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Vẫn theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, biến chủng Delta lây lan rất nhanh, người dân sơ ý là tạo thành ổ dịch mới. Việc này không chỉ gây hậu quả cho người bị nhiễm mà còn lây lan sang cả gia đình, doanh nghiệp và cộng đồng.
Nếu một người bị nhiễm COVID-19 thì lập tức cả doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Điều này dẫn đến không thực hiện đúng hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký kết với đối tác, bạn hàng.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu mất bạn hàng, mất hợp đồng thì đồng nghĩa doanh nghiệp đó cũng khó lòng tồn tại.
Từ những phân tích trên, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định, việc Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết đồng ý cho Chính phủ áp dụng 4 nội dung khác luật hiện hành trong nhóm giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 là một quyết định kip thời, dứt khoát để giúp Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý, các cơ quan điều hành công vụ có đủ thẩm quyền giải quyết tất cả các tình huống có thể phát sinh, thậm chí vượt ra ngoài thẩm quyền của Chính phủ.
Do dịch bệnh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, nên việc Quốc hội quyết định cho phép Chính phủ và các cơ quan thừa hành chủ động, linh hoạt xử lý các tình huống khẩn cấp trong phòng chống dịch là rất cần thiết. Vì chúng ta chỉ thực hiện được thành công mục tiêu kép khi đã khống chế và kiểm soát được dịch bệnh.
PGS.,TS. Ngô Thắng Lợi (ĐH KTQD) đánh giá, đây là quyết định phù hợp với giai đoạn hiện nay khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến căng thẳng. Chúng ta cần phải có các cơ sở chữa bệnh đủ nhiều để thực hiện điều trị bệnh nhân kịp thời, cũng như có các quyết định hành chính kịp thời trong trong các nội dung hoạt động của các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.
Nếu coi chống dịch bệnh COVID-19 là “chiến trường”, thì việc thành lập cơ sở thu dụng điều trị người nhiễm bệnh giống như cơ sở y tế tại chiến trường, và Bộ Y tế được quyền quy định các thủ tục hành chính - xem như là tư lệnh chịu trách nhiệm trực tiếp tại chiến trường, vừa tăng thêm trách nhiệm vừa tăng thêm quyền hạn.
Vẫn theo GS.,TS. Ngô Thắng Lợi, chi phí chữa trị và điều trị bệnh nhân COVID-19 lấy từ ngân sách nhà nước cũng là cần thiết hiện nay, để bảo đảm tính kịp thời mang tính tác nghiệp, tình thế về chi phí và bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận dịch vụ này đối với mọi người dân, không phân biệt.
Vì chi phí này vô cùng lớn, trong khi không lấy từ ngân sách sẽ dẫn đến nhiều đối tượng nhiễm bệnh không được điều trị kịp thời và giải quyết bài toán tài chính khó khăn.
GS.,TS. Ngô Thắng Lợi cũng nêu ra những điểm cần lưu ý khi thực hiện để tránh lạm dụng Nghị quyết này.
Thứ nhất, cần xác định 4 quy định khác luật chỉ áp dụng trong các thời điểm căng thẳng của dịch bệnh, mặc dù quy định đến 2022 nhưng chỉ có hiệu lực khi dich bệnh trở nên căng thẳng. Vậy phải xác định dịch bệnh ở vào giai đoạn căng thẳng là gì?
Thứ hai, các khoản chi phí sử dụng ngân sách nhà nước hoàn toàn chỉ liên quan trực tiếp đến bệnh do COVID-19 gây ra, dứt khoát không xử lý đối với các bệnh lý nền khác có thể có xuất hiện trong giai đoạn nhiễm bệnh COVID-19. Như vậy, cần phân biệt rõ bệnh do COVID -19 và các bệnh lý nền. Tránh lạm dụng để sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở mọi trường hợp đối với bệnh nhân COVID-19.