Áp dụng công nghệ mới để quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thùy Linh

Trước thực trạng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, Tổng cục Thuế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu... để công tác quản lý và thu thuế đạt hiệu quả cao hơn. Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý để hạn chế tối đa tình trạng thất thu ngân sách nhà nước ở lĩnh vực này.

Hình ảnh Toạ đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT".
Hình ảnh Toạ đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT".

Quản lý thuế chặt chẽ

Tại Tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/9, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm.

Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vào thời điểm đó đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

“TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước”, bà Lại Việt Anh nhận định.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh cũng đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, trong đó có việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, doanh thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm: 83.000 tỷ đồng (năm 2022), 97.000 tỷ đồng (năm 2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng. 

ngành Thuế cũng tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện. Đây cũng là kênh thông tin để cho người nộp thuế thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành Thuế mà còn thống nhất trong các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động TMĐT.

“Chúng tôi đề xuất bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Giải pháp này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khai, nộp thuế thay”, đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ. 

Cùng với đó, ngành Thuế cũng liên tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, đó là thông tin do sàn cung cấp, thông tin do các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành.

Áp dụng công nghệ số để quản lý

Theo đánh giá của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, nỗ lực của Tổng cục Thuế, cũng như các cơ quan ban, ngành có liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương hay Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chính quyền các địa phương trong việc kết hợp để quản lý các đối tượng kinh doanh TMĐT khác nhau trên địa bàn là rất đáng ghi nhận.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi chúng ta có VneID, việc tích hợp các dữ liệu của rất nhiều cơ quan đang tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ Tổng cục Thuế quản lý TMĐT này mà còn tạo điều kiện để chúng ta quản lý tốt hơn các lĩnh vực khác liên quan đến cả kinh tế và xã hội. 

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thời gian qua, những "ông lớn" như Google, Amazon,... đóng góp doanh thu không nhỏ cho trên thị trường Việt Nam, nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng. Rõ ràng cần phải có cơ sở thống kê dữ liệu, các kho dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý để từ đó chúng ta có bằng chứng để có thể thu đúng, thu đủ từ các “ông lớn” này.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu vì nó không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. Tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ, phải dùng chính công nghệ mới và công nghệ số để quản lý hoạt động TMĐT hiệu quả.

Cùng với đó, việc tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ cho Nhà nước. Trên cơ sở như vậy, kể cả các chủ thể không có thể nhân ở Việt Nam nhưng người Việt Nam tiêu dùng hàng hóa của họ vẫn buộc họ phải nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam.

“Tôi cho rằng, kết hợp giữa các bộ, ban, ngành, kết hợp giữa tuyên truyền, quảng cáo và ý thức của người dân đối với hoạt động quản lý và thu thuế từ TMĐT sẽ là cơ sở chúng ta có thể quản lý TMĐT một cách phù hợp và sâu sát hơn”, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Dưới góc độ quản lý thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết,

Hiện nay,  Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ sửa Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Dưới góc độ quản lý thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Tổng cục Thuế đã có đề xuất quản lý đối với TMĐT, đó là việc các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.

“Xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, lúc đó hàng hóa trong thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh”, bà Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.