Áp dụng KRI: Muốn thành công, lãnh đạo phải có quyết tâm cao
Thực tiễn cho thấy, khả năng áp dụng thành công chỉ số KRI cho các doanh nghiệp là rất khả quan. Tuy nhiên, để áp dụng thành công chỉ số này đòi hỏi một số điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng được.
KR (Key Result Indicator),
có nghĩa là các chỉ số đo lường kết quả trọng yếu. Đây là một tập hợp các chỉ số quan trọng được sử dụng để đo lường và đánh giá kết quả đạt được trong một tổ chức, một dự án hoặc một chiến lược kinh doanh.
Để áp dụng thành công chỉ số này đòi hỏi 4 điều kiện cơ bản mà doanh nghiệp phải đáp ứng được.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải đang áp dụng thành công một hệ thống quản lý rủi ro. Chỉ số KRI không phải là một công cụ tách rời mà được tích hợp với các hệ thống quản trị rủi ro khác nhằm tăng tính hiệu quả trong việc nhận diện và cảnh báo sớm các rủi ro cũng như có được những kế hoạch hành động kịp thời, nhanh chóng để xử lý từ sớm các rủi ro.
Do vậy, việc duy trì áp dụng hệ thống chỉ số này đòi hỏi doanh nghiệp cần có một nền tảng vững chắc về hệ thống quản lý rủi ro trước khi áp dụng.
Thứ hai, quyết tâm thực hiện của lãnh đạo các doanh nghiệp. Cam kết của lãnh đạo là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc triển khai áp dụng thành công bất kỳ hệ thống quản lý rủi ro nào.
Lãnh đạo doanh nghiệp cần duy trì sự quyết tâm để triển khai áp dụng bộ chỉ số này, sự quyết tâm được thể hiện thông qua việc tham gia tích cực vào việc tổ chức áp dụng và duy trì bộ phận chuyên trách theo dõi và xây dựng các chỉ số này. Lãnh đạo doanh nghiệp cần có những ưu tiên nhất định về nguồn lực để thực hiện và thường xuyên có các chỉ đạo kịp thời.
Thứ ba, trình độ và khả năng thực hiện của cán bộ nhân viên. Để triển khai thành công hệ thống chỉ số này cần sự theo dõi, đánh giá và báo cáo theo các mẫu biểu thường xuyên. Tuy các biểu mẫu không quá phức tạp song cũng cần các cán bộ nhân viên phụ trách phải nắm chắc và biết cách sử dụng các biểu mẫu có liên quan.
Vì vậy, doanh nghiệp nên có kế hoạch tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo và nâng cao nhận thức, chuyên môn cho tất cả các cán bộ ở các phòng ban khác nhau để triển khai đồng bộ và có hiệu quả.
Thứ tư, rủi ro có thể xuất hiện ở bất kỳ khâu nào trong quá trình sản xuất, vì vậy để triển khai có hiệu quả hệ thống này cần sự phối kết hợp giữa các phòng/ban với nhau. Các bộ phận liên quan cần hỗ trợ, trao đổi thông tin kịp thời để giúp xác định rủi ro một cách toàn diện và đầy đủ.
Trong quá trình thực hiện, cần có sự đánh giá định kỳ về sự phối kết hợp giữa các bộ phận đã thực sự nhuần nhuyễn, ăn khớp hay chưa để có các phương án khắc phục và hoàn thiện.