Áp lực thu ngân sách những tháng cuối năm
Để hoàn thành dự toán (270.000 tỷ đồng), 2 tháng còn lại của năm 2016, ngành Hải quan phải thu 55.300 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng phải thu 27.650 tỷ đồng), cao hơn 6.000 tỷ đồng so với bình quân thu đạt các tháng đầu năm (21.470 tỷ đồng).
Kim ngạch tăng nhưng số thu giảm
Chịu tác động mạnh của bối cảnh kinh tế khó khăn, các mặt hàng NK chính, thuế suất cao đều sụt giảm, đặc biệt là giá dầu thô giảm nhiều so với dự toán ngân sách, cùng với đó là việc tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khiến cho công tác thu ngân sách của ngành Hải quan gặp rất nhiều thách thức.
Nếu như những năm trước, số thu NSNN của ngành Hải quan tăng dần bắt đầu từ tháng 4, nhưng riêng năm 2016 thì ngược lại, càng về những tháng cuối năm số thu lại giảm dần.
Trong các tháng 4, 5, 6 số thu NSNN của toàn ngành dao động trong khoảng 22.500 đến 23.500 tỷ đồng, đến tháng 7 trở về sau con số này chỉ dao động trong khoảng 20.500 đến 21.500 tỷ đồng. Thực tế này là do những tháng cuối nguồn thu chủ lực từ xăng dầu NK và ô tô nguyên chiếc NK đã giảm, không còn cao như những tháng đầu năm.
Phân tích kỹ về 2 mặt hàng NK lớn là ô tô nguyên chiếc và xăng dầu cho thấy: Lượng xăng dầu NK trong 9 tháng đầu năm đã đạt 7,1 triệu tấn, tương đương 89% kế hoạch NK của cả năm, dự kiến những tháng còn lại của năm sẽ không còn nhập nhiều.
Đối với mặt hàng ô tô NK, do thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô có dung tích xy lanh lớn đã tăng đáng kể từ ngày 1-7-2016 nên trước đó các DN đã NK lượng lớn mặt hàng ô tô này để ”chạy” thuế, do đó lượng ô tô dưới 9 chỗ trong những tháng cuối năm sẽ không về nhiều như đầu năm.
Bên cạnh đó, số lượng xe dung tính xy lanh nhỏ trong nước đã sản xuất được nên mặc dù được giảm thuế TTĐB nhưng lượng NK cũng không tăng đột biến. Thực tế cho thấy lượng xe NK trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 cũng giảm mạnh so với những tháng trước đó. Tính hết tháng 9, lượng ô tô NK giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2015 (chỉ đạt 77.515 xe), và giảm 16,9% về trị giá (đạt 1,75 tỷ USD).
Một trong những thay đổi đáng chú ý là , kim ngạch XNK trong các tháng của năm 2016 tăng nhưng số thu lại giảm so với cùng kỳ năm 2015. Theo phân tích của Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), dù kim ngạch XNK tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng số thu chỉ tăng khoảng 3,3%, chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô XK.
Xăng dầu NK cũng giảm về lượng, đồng thời do giá và thuế suất giảm so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, kim ngạch NK của một số mặt hàng chính, có số thu lớn có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác khiến nguồn thu giảm so với cùng kỳ như: Giá dầu thô giảm, cắt giảm thuế khi tham gia FTA.
Quyết liệt hoàn thành chỉ tiêu
Lường trước được những khó khăn, toàn ngành Hải quan đã áp dụng đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để đảm bảo nguồn thu NSNN như tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, công tác tham vấn giá theo danh mục rủi ro về trị giá sửa đổi bổ sung...
Đến thời điểm hiện nay chỉ mới có 9/35 Cục Hải quan vượt chỉ tiêu thu NSNN năm 2016, đó là:
Cục Hải quan Đà Nẵng đạt 127,3%; Cục Hải quan Khánh Hòa đạt 145,28%; Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đạt 124,88%; Cục Hải quan Đắk Lắk đạt 145,81%; Cục Hải quan Cà Mau đạt 350,84%; Hải quan Quảng Nam đạt 102,85%; Hải quan Bình Phước đạt 138,75% chỉ tiêu thu. Quảng Ngãi 107,11%; Hà Nam Ninh đạt 128,79%.
Các đơn vị trên được giao dự toán chiếm 4,7% tổng dự toán thu toàn ngành, chiếm 7,5% tổng thu NSNN đến 30-10-2016.
Thực tế các giải pháp trên đã tạo ra hiệu quả giúp cho số thu NSNN 10 tháng đầu năm của ngành Hải quan đạt 215.760 tỷ đồng, bằng 79,9% dự toán, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015.
Đến ngày 8-11-2016, theo thống kê nhanh của Tổng cục Hải quan số thu NSNN của toàn Ngành đạt khoảng 220.295 tỷ đồng, bằng 81,41% dự toán, xấp xỉ với thời điểm của tháng 10 năm 2015 là 80,52% dự toán. Với đà này, số thu của 11 tháng năm 2016 có khả năng cũng tương đương với tỷ lệ thu của 11 tháng năm 2015 là đạt 89% dự toán.
Theo đánh giá tình hình, sẽ có tới 13 đơn vị khó có khả năng hoàn thành dự toán là các Cục Hải quan: Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Cần Thơ, Cao Bằng, Quảng Bình, Gia Lai, Điện Biên, Lào Cai, Bình Định, Đồng Tháp.
Hiện nay, một số Cục Hải quan có số thu lớn như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội; Bà Rịa Vũng Tàu tỷ lệ thu NSNN chỉ đạt hơn 80%. Cụ thể: Hải quan TP.HCM đạt 80,89%; Hải quan Hải Phòng đạt 81,21%; Hải quan Hà Nội đạt 86,82%.
Nhận định nhiệm vụ thu trong những tháng cuối năm còn rất nặng nề, toàn ngành Hải quan đang quyết liệt triển khai mọi biện pháp để hoàn thành được chỉ tiêu thu đạt 270.000 tỷ đồng và phấn đấu đạt 275.000 tỷ đồng mà Ban cán sự Bộ Tài chính đã giao cho Ngành.
Liên tiếp bằng chỉ thị của Tổng cục trưởng, tổ chức hội nghị, triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiên trì với các giải pháp thu NSNN đã đề ra. Trong đó sẽ tập trung vào các giải pháp chống thất thu như: Đấu tranh chống thất thu qua số lượng, trị giá, mã số, C/O, tích cực áp dụng các biện pháp quản lý thu, đôn đốc thu hồi nợ đọng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn trọng điểm, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, kiểm soát, ứng dụng công tác quản lý rủi ro, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan, siết chặt kỷ cương kỷ luật trong Ngành….
Bước vào giai đoạn nước rút, hiện Hải quan các tỉnh, thành phố đang dồn lực thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao. Tại Hải quan Quảng Ninh đã phát động thi đua “90 ngày đêm nước rút”; Hải quan TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường hậu kiểm ngay từ cửa khẩu đối với những mặt hàng NK trọng điểm; Hải quan Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu NSNN như: Thu hồi và xử lý nợ thuế, công tác thanh tra, kiểm tra…
Năm 2014, số thu NSNN của toàn ngành Hải quan đạt 251.500 tỷ đồng, đạt 112,27% so với dự toán (224.000 tỷ đồng), tăng 13,58% so với số thực hiện năm 2013 (221.433 tỷ đồng).
Năm 2015, ngành Hải quan được giao dự toán thu 260.000 tỷ đồng. Đến thời điểm 24 giờ ngày 31-12-2016, Kho bạc Nhà nước chốt số thu NSNN của ngành Hải quan là 261.823 tỷ đồng, vượt dự toán đề ra của năm 2015 là hơn 0,7%.