Loạt bài: Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Bài 3: Chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp dưới góc nhìn chuyên gia

PV. (t/h)

Theo các chuyên gia kinh tế, nói đến các giải pháp đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, không thể thiếu vai trò quan trọng của các chính sách tài khóa. Nhiều chính sách được Chính phủ, Bộ Tài chính kịp thời ban hành phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách nhà nước, góp phần ổn định tình hình kinh tế đồng thời tạo động lực  thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn nên những tác động của đại dịch COVID-19, biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã ảnh hưởng đa chiều đến nền kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã luôn chủ động đề xuất và triển khai kịp thời các giải pháp chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, các chính sách tài khóa được nhận định giống như “phao cứu sinh” giúp các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí các doanh nghiệp và người dân trong năm 2022 là 233 nghìn tỷ đồng. Tiếp tục phát huy những hiệu quả của chính sách, năm 2023, để kịp thời ứng phó với diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất... Các động thái của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Hiệu quả của chính sách tài khóa giúp giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp

GS.TS. Hoàng Văn Cường
GS.TS. Hoàng Văn Cường

Đánh giá về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh thời gian vừa qua, GS.TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho rằng, việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Theo đó, trong bối cảnh đại dịch, rất nhiều nước cũng dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, nhưng hậu quả kéo theo sau dịch là lạm phát. Nhưng Việt Nam vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cũng dùng tài khóa nhưng không bị rơi vào lạm phát, mà còn giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp. Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, những biện pháp rất kịp thời, tăng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Được gia hạn thời hạn nộp thuế, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để giải quyết khó khăn về vốn 

Ông Nguyễn Văn Phụng
Ông Nguyễn Văn Phụng

Chia sẻ về ý nghĩa chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đánh giá đây là một quyết định tạo niềm phấn khởi rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô.

Ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh, việc được gia hạn thời hạn nộp thuế giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính một cách tạm thời, để giải quyết những vấn đề khó khăn về vốn cũng như về dòng tiền trong sản xuất kinh doanh. "Tôi cho rằng, Chính phủ bằng biện pháp gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đã thấu hiểu được khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước", ông Nguyễn Văn Phụng bày tỏ. 

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng - Doanh nghiệp được lợi nhiều chiều

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời điểm khó khăn, chính sách tài khóa đã phát huy vị trí và vai trò của mình, đặc biệt, hơn một năm qua khi chúng ta mở cửa nền kinh tế, chính sách tài khóa đã giúp cho các ngành nghề, lĩnh vực hồi phục và tăng trưởng, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp có ngay nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng vừa được Quốc hội thông qua, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn và hiệu quả, việc giảm thuế đã kích thích chi tiêu của người dân, giúp nền kinh tế tăng trưởng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo vị chuyên gia này, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% giúp giá hàng hóa trên thị trường giảm và người dân được lợi, doanh nghiệp sản xuất giảm được giá nguyên liệu đầu vào. Như vậy, chi phí nguyên vật liệu giảm thì giá thành bán ra giảm thêm, đối với doanh nghiệp được lợi nhiều chiều.

Tác động lan toả của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng là rất lớn

TS. Nguyễn Bích Lâm
TS. Nguyễn Bích Lâm

Trong bối cảnh khó khăn, giảm thuế giá trị gia tăng là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, giải pháp giảm 2% thuế giá trị gia tăng có tác động trực tiếp làm tăng tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, tác động lan toả của giải pháp này rất lớn, đem đến sự phục hồi nhanh hơn cho doanh nghiệp trong thời điểm các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tìm kiếm thị trường đầu ra khi tổng cầu trong nước, tổng cầu thế giới suy giảm trong thời gian qua và có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Khi thị trường tiêu thụ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động, giải quyết được hàng tồn kho, nợ đọng vốn.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những chính sách thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính

Ông Đậu Anh Tuấn
Ông Đậu Anh Tuấn

Đánh giá tích cực về hiệu quả các chính sách tài chính, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho hay, những chính sách giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã, đang và sẽ được thực hiện trong thời gian tới là rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn.

Khi doanh nghiệp khó khăn thì các nhóm giải pháp như gia hạn thuế và các nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn và đó chính là một sự trợ lực từ Nhà nước cho doanh nghiệp. Theo ông Đậu Anh Tuấn, những nhóm chính sách tài khóa thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính đơn cử như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao bởi tác động tích cực đến sự phục hồi của tiêu dùng, kinh doanh.