Loạt bài: Lan toả thói quen mua hàng lấy hoá đơn

Bài 3: Tạo áp lực “mềm” khiến người tiêu dùng hình thành thói quen lấy hoá đơn

Thùy Linh

Các giải pháp mà ngành Thuế thực hiện góp phần khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý thuế.

Bài 3: Tạo áp lực “mềm” khiến người tiêu dùng hình thành thói quen lấy hoá đơn - Ảnh 1

Đó là chia sẻ của Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài thương mại xung quanh việc triển khai hoá đơn điện tử của ngành Thuế.

Phóng viên: Thời gian qua, ngành Thuế đã thành công trong công tác "phủ sóng" hoá đơn điện tử và xoá sổ hoá đơn giấy. Ông đánh giá như thế nào về thành quả này và nó đã tác động tới công tác quản lý thu cũng như tạo thuận lợi cho người nộp thuế như thế nào?

Luật sư Hà Huy Phong: Việc triển khai hoá đơn điện tử là một trong những hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Đây là giải pháp thực tế nhằm cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số mà Bộ Tài chính đang thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Việc “phủ sóng” hoá đơn điện tử thời gian qua là sự thành công lớn của ngành Thuế. Hoá đơn điện tử đã giúp người nộp thuế cắt bỏ hầu hết khoảng thời gian lãng phí vào các thủ tục hành chính tại cơ quan quản lý thuế, đẩy mạnh quá trình chuyển đối số tại doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị.

Hiệu ứng to lớn khác là hoá đơn điện tử có liên thông đa chiều giữa bên xuất hoá đơn, bên nhận hoá đơn và cơ quan thuế nên đã giúp các cơ quan quản lý phát hiện được tình trạng mua bán hoá đơn, kê khai sai sự thật, trốn tránh nghĩa vụ thuế, giúp bảo vệ người kinh doanh chân chính.

Hóa đơn là những chốt chặn của hoạt động kiểm soát dòng tiền thu – chi trong hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thông qua thông tin tổng hợp từ nguồn hóa đơn diện tử, cơ quan quản lý hoàn toàn có khả năng xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ cho các hoạt động quản lý thuế nói riêng và đưa ra các chính sách vĩ mô nói chung. Do đó, việc đẩy mạnh hóa đơn điện tử giúp thiết lập nên những nền tảng cơ bản cho Chính phủ điện tử, đưa Chính phủ lại gần với doanh nghiệp hơn.

Một thuận lợi rất lớn của ngành Thuế khi triển khai hoá đơn điện tử đó là việc doanh nghiệp chịu sự quản lý của ngành Thuế liên quan đến các vấn đề về tài chính - kế toán nên khi cơ quan quản lý thuế triển khai quyết liệt, doanh nghiệp sẽ hưởng ứng và tuân theo nhanh chóng. Lợi thế này sẽ không có nhiều trong trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng lấy hoá đơn. Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan Thuế cần quyết liệt triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp khác nhau để đẩy nhanh hơn nữa nỗ lực hoá đơn hoá mọi hoạt động chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Phóng viên: Hiện nay, có một thực trạng khá phổ biến đó chính là người tiêu dùng vẫn đang có thói quen mua hàng ko lấy hoá đơn. Để khắc phục tình trạng này, ngành Thuế đã triển khai nhều giải pháp như chương trình “hoá đơn may mắn” và triển khai hoá đơn có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền... Theo Ông, những giải pháp này mang lại những tác dụng như thế nào để thúc đẩy thói quen tiêu dùng văn minh cho người tiêu dùng?

Luật sư Hà Huy Phong: Thực tế, việc bán hàng xuất hóa đơn, hay mua hàng lấy hóa đơn là đòi hỏi tất yếu của các giao dịch trong nền kinh tế thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Hóa đơn không chỉ là chứng từ thể hiện việc hoàn tất thanh toán mà còn là chứng từ thể hiện đầy đủ nội dung của giao dịch dân sự, là cơ sở pháp lý để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các trường hợp có vấn đề về chất lượng hàng hóa hay bảo hành sản phẩm.

Trước đây, người tiêu dùng thường chỉ lấy và giữ lại hóa đơn mua sắm các hàng hóa, tài sản có giá trị lớn (ô tô, xe máy, nhà đất...) còn phần lớn các giao dịch đời sống thường ngày, người tiêu dùng rất ít khi lấy hoá đơn. Đây thực sự là một thói quen mà người tiêu dùng cần thay đổi để bảo vệ quyền lợi của mình.

Một phần lý do mà người tiêu dùng không mặn mà với việc lấy hóa đơn là các vấn đề về thủ tục và thời gian trong việc viết hóa đơn, kiểm tra thông tin trên hóa đơn, điều chỉnh thông tin hóa đơn. Khi triển khai hóa đơn điện tử, các trở ngại đó được khắc phục một cách cơ bản. Người lấy hóa đơn chỉ cần cung cấp mã số thuế là hệ thống phần mềm xuất hóa đơn sẽ tự truy xuất được tất cả thông tin cần thiết về đơn vị tiếp nhận hóa đơn.

Chính vì vậy, các biện pháp mà cơ quan quản lý thuế đang mang lại những hiệu quả rõ nét và tạo nên chuyển biến lớn về tình hình so với trước đây. Thực tiễn đang cho thấy, việc buộc cơ sở bán hàng phải xuất hoá đơn và thu thuế giá trị gia tăng dẫn tới người tiêu dùng hình thành thói quen lấy hoá đơn mỗi khi mua sắm, chi tiêu. Việc xuất hoá đơn điện tử, cùng với thủ tục xuất hoá đơn thuận tiện, nhanh chóng, gọn nhẹ tạo cảm giác thoải mái cho người tiêu dùng khi lấy hoá đơn. Việc áp dụng công nghệ thông tin một cách triệt để, gắn việc xuất hoá đơn với phiếu thu tiền, danh mục hàng hoá mua sắm khi thanh toán là những biện pháp tạo áp lực “mềm” khiến người tiêu dùng hình thành thói quen lấy hoá đơn.

Tôi cho rằng, những giải pháp như vậy đã tạo ra hiệu quả tích cực. Có thể nói rằng, các hoạt động mua sắm của doanh nghiệp hiện nay đã chủ yếu thực hiện qua tài khoản ngân hàng và gắn với việc lấy hoá đơn để hạch toán kế toán theo đúng quy định

Phóng viên: Để có thể tiếp tục lan toả thói quen tiêu dùng văn minh đó là lấy và lưu trữ hoá đơn giá trị gia tăng cho tất cả người tiêu dùng, Ông có khuyến nghị như thế nào tới ngành Thuế cũng như người tiêu dùng trong thời gian tới?

Luật sư Hà Huy Phong: Vấn đề hoá đơn không chỉ gắn liền với doanh nghiệp mà gắn liền với tổng thể nền kinh tế, gắn với bên cung và cả bên cầu. Các chủ thế của nền kinh tế không chỉ có doanh nghiệp mà còn có các hộ kinh doanh, cá nhân mua sắm và bán hàng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý thuế đối với các hoạt động mua bán hàng hoá của hộ kinh doanh và cá nhân nên hiệu quả quản lý thuế chưa cao. Hàng lang pháp lý và biện pháp quản lý thuế đối với các đối tượng này chưa thực sự đầy đủ và hiệu quả. Những bất cập như vậy dẫn tới việc thất thu thuế, tiêu cực trong nền kinh tế do sự chuyển giá từ khối doanh nghiệp sang khối người tiêu dùng cá nhân.

Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý thuế cần có những giải pháp thực tiễn hơn và quyết liệt hơn trong việc đưa ra các giải pháp quản lý thuế hiệu quả hơn đối với nhóm người tiêu dùng là hộ kinh doanh, cá nhân. Các giải pháp đó cần triển khai một cách toàn diện, sâu rộng từ việc ban hành văn bản hướng dẫn về quy định pháp luật, đến các biện pháp kiểm tra, các cơ chế về khấu trừ chi phí đối với mua sắm của cá nhân, hộ gia đình...

Về phía người tiêu dùng, cần phải tuyên truyền để họ phải hiểu rằng việc người mua hàng không lấy hóa đơn không chỉ vô tình tiếp tay cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trốn thuế mà còn tạo ra lượng hóa đơn chưa sử dụng. Số hóa đơn chưa sử dụng này sẽ trở thành nguồn lợi lớn để các tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng mua bán hóa đơn khống trên thị trường. Do đó, người tiêu dùng khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ cần có thói quen lấy hóa đơn, vừa góp phần giúp Nhà nước giám sát và thu thuế, vừa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Phóng viên: Xin cảm ơn Ông!