Loạt bài: Hải quan Việt Nam ghi dấu ấn trong khu vực

Bài 4: Dấu ấn Hải quan Việt Nam trong cộng đồng ASEAN

Trần Huyền

Là một thành viên tích cực trong hợp tác Hải quan ASEAN, Hải quan Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong triển khai các chiến dịch, sáng kiến hợp tác, hội nhập khu vực. Đặc biệt, Hải quan Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong việc đăng cai tổ chức thành công các Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN và đồng sáng kiến, thực thi hiệu quả Chiến dịch Con rồng Mê Kông.

Hải quan Việt Nam đã thực thi hiệu quả Chiến dịch Con rồng Mê Kông. Ảnh: internet
Hải quan Việt Nam đã thực thi hiệu quả Chiến dịch Con rồng Mê Kông. Ảnh: internet

Đăng cai tổ chức thành công các hội nghị Tổng cục trưởng

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN là hoạt động quan trọng nhất trong cơ chế hợp tác của Hải quan ASEAN. Với vai trò chủ trì, Việt Nam luôn thể hiện là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong khu vực ASEAN. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam - một cơ quan thành viên thuộc trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thực hiện đúng chủ trương chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, trong đó có ASEAN.

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, Hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công ba Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần lượt vào các năm 1995, 2004 và 2014. Đầu tháng 6/2024 vừa qua, Hải quan Việt Nam cũng đăng cai tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 4 và các cuộc họp của Ủy ban điều phối hải quan, các Nhóm làm việc kỹ thuật trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Hải quan Việt Nam từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2025, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Là chủ nhà đăng cai tổ chức, chủ trì Hội nghị và là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, Hải quan Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, cùng Hải quan ASEAN đạt được các thành tựu về xây dựng Danh mục biểu thuế quan hài hòa ASEAN, Cơ chế một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau Doanh nghiệp ưu tiên ASEAN và triển khai các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó nổi bật là Chiến dịch Con rồng Mê Kông.

Bên cạnh đó, các ý tưởng đề xuất tại Hội nghị của Hải quan Việt Nam về Hải quan xanh, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về kiểm soát hải quan... cũng được Hải quan các nước ủng hộ và triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam, việc đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị quan trọng nhất trong cơ chế hợp tác Hải quan ASEAN lần thứ 33 năm 2024 có ý nghĩa lớn đối với Hải quan Việt Nam. Hoạt động này đã thể hiện sự tích cực, chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác và hội nhập Hải quan ASEAN của Hải quan Việt Nam. Qua đó, tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung trong cơ chế hợp tác ASEAN.

"Hải quan Việt Nam mong muốn và hy vọng với sự đóng góp trong phạm vi, khả năng của mình, cùng Hải quan ASEAN hướng đến một mục tiêu chung trong tiến trình hội nhập của Hải quan ASEAN, góp phần vào xây dựng thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025", Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Chia sẻ về Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 vừa qua, các đại biểu tham dự đến từ Hải quan các nước ASEAN, các nước đối tác, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị của Hải quan Việt Nam.

Với góc nhìn của Chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng năm 2023, ông Niti Wityatem - Phó Tổng cục trưởng Hải quan Thái Lan cho biết, việc tổ chức Hội nghị là không hề dễ dàng. Do đó, Phó Tổng cục trưởng Hải quan Thái Lan bày tỏ cảm khích và đánh giá cao việc điều phối giữa Hải quan Việt Nam và các cơ quan liên quan khác trong việc tổ chức Hội nghị.

"Xung kích" chống buôn bán ma túy, động thực vật hoang dã

Một trong những dấu ấn đậm nét của Hải quan Việt Nam trong hợp tác khu vực phải kể đến Chiến dịch Con Rồng Mê Kông. Đây là chuỗi chiến dịch hành động chung giữa các cơ quan Hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật khác của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES trên toàn bộ các tuyến.

Chiến dịch này do Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến, khởi động từ năm 2018 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á Thái Bình Dương (RILO AP –WCO). Đến nay, Chiến dịch đã hoàn thành triển khai 5 giai đoạn (từ năm 2018-2023), đạt được những kết quả đáng kể.

Tổng số vụ bắt giữ của Chiến dịch được các thành viên báo cáo qua 05 giai đoạn lên đến 4.535 vụ ma túy và động thực vật hoang dã CITES, tang vật thu giữ gồm: 55.200 kg, 108.000 kg tiền chất, 157.000 kg gỗ và 4.479 sản phẩm từ động, thực vật hoang dã. Qua 05 giai đoạn, Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 115 cảnh báo và 05 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên.

Chỉ riêng giai đoạn 2018-2022, Hải quan Việt Nam đã chủ trì và phối hợp phát hiện bắt giữ, xử lý 874 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy, bắt giữ 843 đối tượng; chủ trì và phối hợp phát hiện bắt giữ, xử lý 113 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong danh mục Công ước CITES.

Chiến dịch được RILO AP và các tổ chức thực thi pháp luật quốc tế đánh giá là một trong những Chiến dịch kiểm soát thành công nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về số lượng thành viên tham gia và số lượng vụ việc được cập nhật lên hệ thống thông tin chung của Chiến dịch. Qua cơ chế của Chiến dịch, đã có nhiều thông tin tình báo được cảnh báo, trao đổi giữa các nước để góp phần thực hiện bắt giữ thành công nhiều vụ việc buôn lậu và vận chuyển trái phép ma tuý, động vật, thực vật hoang dã lớn.

Năm 2023, Chiến dịch tiếp tục được đưa vào Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc với nội dung "tiếp tục làm sâu sắc hợp tác về thực thi pháp luật chống buôn lậu, thúc đẩy hành động phối hợp thực thi pháp luật quốc tế Con rồng Mê Kông đạt được nhiều thành quả hơn nữa”. Theo tinh thần của Tuyên bố chung cũng như thành công của chuỗi Chiến dịch Con Rồng Mê Kông, Tổng cục Hải quan Việt Nam tiếp tục triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông VI năm 2024.

Chiến dịch giai đoạn VI được triển khai theo hướng nâng tầm, mở rộng quy mô, tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin, hợp tác điều tra sau bắt giữ để phát hiện sớm các đường dây xuyên quốc gia buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và động thực vật hoang dã. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, đến nay, Chiến dịch đã nhận được sự đồng thuận tham gia 25 cơ quan Hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế.

Trung tuần tháng 4/2024 vừa qua, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức thành công Hội nghị Khai mạc triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông giai đoạn VI tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của 64 đại biểu trong nước và quốc tế. Hội nghị đánh dấu việc chính thức triển khai Chiến dịch tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Mới đây, tại hội đàm song phương giữa Hải quan Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33,  ông Triệu Tăng Liên - Phó Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc đã đánh giá cao Hải quan Việt Nam trong Chiến dịch Con rồng Mê Kông vừa qua.

Với sự thành công của Chiến dịch Con rồng Mê Kông, Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đã thể hiện được vai trò tích cực của cơ quan đồng sáng kiến trong các hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đây cũng là sự cam kết của Hải quan hai nước nhằm góp phần đảm bảo môi trường thương mại quốc tế an toàn trong khu vực.

Theo bà Jenna Dawson Faber - Điều phối viên khu vực của Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Hải quan Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong việc đưa ra sáng kiến, kết nối các nước thành viên, các cơ quan quốc tế, khu vực và triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông. Đóng góp của Hải quan Việt Nam không chỉ tăng tính hiệu quả của Chiến dịch mà còn tạo tiền đề cho hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia.