Loạt bài: Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Bài 6: Chính sách tài khóa luôn phải có sự linh hoạt để phát huy hiệu quả
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, Chuyên gia Ngô Vĩnh Bạch Dương - Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, chính sách tài khóa luôn phải có sự linh hoạt và phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, vừa qua có một số quan điểm cho rằng, chính sách giảm thuế phải trên một năm mới hiệu quả, nhưng điều này chưa đúng bởi sau một thời gian thực hiện, chính sách đó cần phải được đánh giá để quyết định tiếp tục hay dừng lại.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của chính sách tài khóa đối với sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp, người dân nói riêng trong thời gian qua?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Chính sách tài khoá là công cụ quan trọng trong việc điều hành kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng rất mạnh đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây là điều thiết tưởng không cần bàn gì thêm bởi nó là nội dung cơ bản trong tất cả các giáo trình kinh tế học.
Tôi chỉ xin vắn tắt thế này: Trong thời gian qua, chính sách tài khóa đã đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế thời đại dịch. Tất cả các công cụ tài khóa đều được áp dụng mạnh mẽ và kết hợp tốt với các chính sách cứu trợ xã hội.
Vốn ngân sách chảy vào nền kinh tế sẽ tạo việc làm cho doanh nghiệp, giảm áp lực về thất nghiệp do dịch bệnh. Chính sách miễn, giảm thuế cũng đã được áp dụng theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết này.
Bên cạnh chính sách tài khóa này, Nhà nước cũng đồng thời áp dụng các chính sách cứu trợ, bảo trợ xã hội như hỗ trợ tiền điện, chi tiền mặt cho các trường hợp khó khăn, qua đó, góp phần làm ổn định sản xuất của doanh nghiệp, ổn định cuộc sống của người dân. Các công cụ tài khóa này được coi là một điểm tựa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của nước ta trong và sau đại dịch. Các con số thống kê, kể cả những đánh giá của các tổ chức quốc tế đã chứng minh điều này.
Phóng viên: Nói về chính sách thuế, mới đây, Quốc hội đã thông qua giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/7 đến hết năm 2023. Theo ông, tại sao thời gian áp dụng lại là 6 tháng, mà không phải là một năm như một số ý kiến đề xuất?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Việc giảm thuế GTGT thực chất là giảm phần phải nộp ngân sách của người mua, điều đó có nghĩa là hàng hóa trở nên rẻ hơn, người mua đỡ khó khăn hơn trước sức ép của lạm phát, họ sẽ mạnh dạn chi tiêu hơn và doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Việc giảm thuế lần này mang ý nghĩa kích cầu, hướng tới người tiêu dùng, nó khác với việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp – sắc thuế hướng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Còn để hiểu tại sao Quốc hội lại xác định thời gian thực hiện giảm thuế GTGT đến hết năm 2023 thì cần nhiều dẫn chứng và cần giải thích rất dài. Tuy nhiên, tôi vắn tắt thế này: Chính sách tài khóa luôn phải có sự linh hoạt và phù hợp với thực tế. Sau một thời gian thực hiện, nó phải được đánh giá lại để quyết định tiếp tục hay dừng lại.
Việc thực hiện giảm thuế GTGT theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được xác định là đến hết năm 2023 không có nghĩa là sau đó không có việc giảm thuế nào nữa. Đó hoàn toàn có thể là việc miễn, giảm, nhưng theo một chương trình khác – tùy thuộc vào tình hình ngân sách nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội mà Quốc hội quyết định.
Phóng viên: Ngoài việc giảm, hoãn thuế, trong thời gian tới cần tập trung khai thác dư địa chính sách thế nào để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, thưa ông?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Câu hỏi này rất dễ, bởi nói cơ bản, chính sách tài khóa phải linh hoạt theo kịp tình hình kinh tế - xã hội; nhưng lại cũng vô cùng khó bởi không thể nêu chi tiết.
Chúng ta biết là Việt Nam cũng như các nước trên thế giới trong mấy năm qua đều áp dụng chính sách tài khóa mở - tức là tăng đầu tư, chi tiêu công và giảm thuế, miễn thuế. Thông thường, điều này có thể đẩy nợ công lên cao. Thực tế trên thế giới cũng cho thấy, nợ công toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục 92.000 tỷ USD vào năm 2022 khi các chính phủ phải vay tiền nhiều hơn để ứng phó với các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, gánh nặng đặc biệt cao với các nước đang phát triển. Theo báo cáo nợ công toàn cầu được Liên hợp quốc công bố ngày 12/7, nợ công trong nước và nợ nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần trong 2 thập kỷ qua, vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế khi GDP chỉ tăng 3 lần tính từ năm 2002.
Nợ công cao như vậy, các nhà nước không lấy từ thuế thì từ đâu? Việt Nam cũng vậy thôi, kể cả thắt chặt chi tiêu thì nợ công vẫn có khả năng tăng. Nhưng kinh tế chưa phát triển mạnh thì không thể tăng thuế, và cũng không thể tăng mãi được. Khi hậu quả của dịch bệnh cơ bản được phục hồi, độ mở của chính sách tài khóa phải thu hẹp lại. Bởi vậy, nếu cho rằng việc giảm thuế chỉ là ngắn hạn, cũng là có cơ sở.
Do vậy, chi tiêu công tiết kiệm một cách hợp lý, đặc biệt là chi thường xuyên; đầu tư công hiệu quả là việc đầu tiên cần tính đến để tăng trưởng bền vững. Đồng thời, chống thất thu thuế, chống xói mòn cơ sở thuế phải được nghiên cứu, thực hiện. Thủ tục hành chính thuế phải đơn giản, tinh gọn giảm bớt chi phí tuân thủ cho tất cả các bên. Việc áp thuế đối với ngành hàng nào hay thuế suất ra sao, bảo đảm tính tương xứng với mục tiêu can thiệp và dựa trên những nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện.
Phóng viên: Ông có lời khuyên gì tới doanh nghiệp, người dân để tận dụng hiệu quả các chính sách tài khóa, đặc biệt chính sách giảm thuế?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Có thể khái quát như thế này, nguồn vốn ngân sách đi vào thị trường qua hoạt động đầu tư công là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng. Đương nhiên nó rất khó, không chỉ là chuyện thủ tục đấu thầu mà là chính ở năng lực của các doanh nghiệp. Lựa chọn ngành nghề, loại dịch vụ mà mình có thể cung cấp, liên kết để tăng sức mạnh cũng không phải là ý tồi – ở đây là liên kết để cùng sản xuất, cung cấp dịch vụ nhằm tránh lãng phí nguồn lực và tăng sức mạnh, tôi không có ý nói đến việc “móc ngoặc” để giành giật các hợp đồng, dự án sử dụng vốn đầu tư, chi tiêu công.
Đối với một số ngành hàng được giảm thuế GTGT, doanh nghiệp đang kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó không đương nhiên bán được hàng chỉ vì giảm giá 2%. Người mua mới là người quyết định tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia. Bởi vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp thị khoa học, phù hợp với các nhóm đối tượng vẫn là điều quan trọng nhất.
Với người dân, dù thuế giảm thì tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm vẫn là việc nên làm vì thực tế, 2% là con số cắt giảm khổng lồ đối với ngân sách nhà nước nhưng nó không có thay đổi quá lớn, nếu tính theo giá cả của các đơn hàng cụ thể.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!