Loạt bài: Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Bài 4: Chính sách tài khóa là "liều thuốc quý" hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn cần chống chọi với những khó khăn, các chính sách tài khóa đã ban hành được coi là những "liều thuốc quý" cho cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục phục hồi và phát triển trong nửa cuối năm 2023.
Phóng viên: Với nhiều hoạt động liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như: tư vấn thuế, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn tài chính..., ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện nay?
Ông Bùi Ngọc Tuấn: Chúng tôi nhận thấy, trong sáu tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam thể hiện hai bức tranh đan xen về tình hình phát triển kinh tế. Một mặt, nền kinh tế vẫn đang có xu hướng phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới nhưng mặt khác vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể kể đến những thách thức lớn như: tăng trưởng của nền kinh tế thế giới vẫn đang trong xu hướng suy giảm và lạm phát cao, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Hay như việc lãi suất ngân hàng tăng khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí vốn, yếu tố trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm, dịch vụ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp hoặc ngược lại làm việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Theo kết quả cuộc khảo sát do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress tiến hành trực tuyến vào cuối tháng 4/2023 thì những khó khăn của nền kinh tế đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, có tới 82,3% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Đối với các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.
Với tình trạng như vậy, để tiếp tục hoạt động kinh doanh có hiệu quả, bản thân doanh nghiệp cần phải hết sức nỗ lực vượt khó. Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ cũng cần tiếp tục ban hành nhiều chính sách, biện pháp phù hợp và kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Phóng viên: Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền nhiều chính sách hỗ trợ, mới đây nhất là giảm thuế giá trị gia tăng với nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất... Theo ông, các chính sách này có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?
Ông Bùi Ngọc Tuấn: Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức lớn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì những chính sách hỗ trợ được Quốc hội, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính ban hành là đúng đắn, kịp thời và có ý nghĩa lớn trong việc tạo động lực và nguồn lực cho sự phục hồi của doanh nghiệp.
Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp gặp phải nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đại dịch COVID-19 cho tới những biến động lớn của kinh tế, chính trị toàn cầu dẫn tới xu hướng suy giảm của nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam hay lạm phát tăng cao… đều góp phần làm xói mòn nội lực và niềm tin của doanh nghiệp.
Trong tình hình đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho thấy sự chung tay của hệ thống chính trị trong việc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này mang lại niềm tin và động lực cho cộng đồng doanh nghiệp về một tương lai phát triển rõ ràng và tươi sáng hơn.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cũng sẽ đem lại thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh. Ví dụ như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ sẽ có tác động kép, thúc đẩy tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc giảm thuế giá trị gia tăng một mặt sẽ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, mặt khác cũng sẽ giảm giá hàng bán đầu ra nên có tác dụng kích cầu tiêu dùng. Kinh nghiệm từ việc giảm thuế giá trị gia tăng năm 2022 cho thấy đây là một chính sách hỗ trợ rất hợp lý và kịp thời của Quốc hội và Chính phủ đối với doanh nghiệp. Theo đó, GDP năm 2022 đạt hơn 8% đã vượt xa mục tiêu đề ra là tăng từ 6 tới 6,5%.
Gần đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế cũng đã quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ tối đa nguồn vốn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, kể từ sau khi có Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính về công tác giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế đã ban hành 1.338 quyết định hoàn thuế tương ứng số thuế đã hoàn là 13.567 tỷ đồng, tăng 43% so với bình quân 5 tháng đầu năm 2023 và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế kết quả hoàn thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 8.510 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 61.093 tỷ đồng, bằng 33% so với dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023, bằng 88,3% cùng kỳ năm 2022.
Có thể nói, những chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng ban hành thời gian qua đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong giai đoạn cần chống chọi với những khó khăn, những chính sách này có thể được coi là những "liều thuốc quý" cho cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục phục hồi và phát triển trong nửa cuối năm 2023.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của cơ quan quản lý, ở đây là Bộ Tài chính trong việc kịp thời có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, mặc dù nguồn thu ngân sách khó khăn?
Ông Bùi Ngọc Tuấn: Chúng tôi thấy rằng, sức ép về số thu ngân sách của Bộ Tài chính và cơ quan thuế là rất lớn, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.
Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội cả nước quý II và 6 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê mới công bố, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Tài chính và ngành Thuế cũng cho rằng những khó khăn của tình hình kinh tế và việc thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế, phí, nhất là giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế trước bạ ô tô sẽ ảnh hưởng rất lớn tới số thu ngân sách. Đơn cử như việc giảm thuế giá trị gia tăng, theo đánh giá của Bộ Tài chính, tác động của việc giảm thuế lần này dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng trong 06 tháng cuối năm.
Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Tài chính và ngành Thuế trong việc tham mưu các cấp có thẩm quyền nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Bộ Tài chính và cơ quan thuế sẽ vượt qua các khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.
Phóng viên: Cùng với các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng tốt các chính sách này cũng như có giải pháp để phục hồi và phát triển, thưa ông?
Ông Bùi Ngọc Tuấn: Theo tôi, doanh nghiệp cần phải chủ động phát huy nội lực cũng như tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho mục tiêu phục hồi và phát triển.
Những khó khăn của nền kinh tế tác động đến hầu hết doanh nghiệp. Trong số đó, chỉ có những doanh nghiệp chủ động phát huy nội lực, tăng cường nghiên cứu sáng tạo để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới, tăng giá trị cho doanh nghiệp thì mới có thể vượt qua thách thức, tiến tới thành công. Nhân tố nội tại là tiên quyết và quan trọng nhất quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.
Bên cạnh việc phát huy nội lực, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên cập nhật các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thể tận dụng làm tăng nguồn lực cho sự phục hồi và phát triển. Việc ban hành các chính sách hỗ trợ là điều kiện cần, trong khi đó điều kiện đủ là các doanh nghiệp cũng phải chủ động làm việc với các cơ quan nhà nước liên quan để đưa các chính sách này vào thực tiễn một cách có hiệu quả.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải chủ động cập nhật thông tin hay liên hệ với cơ quan Nhà nước để kịp thời có các giải pháp phù hợp với những vướng mắc phát sinh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!